Vì sao doanh thu tháng 1 mảng điện thoại giảm 11%?
Tháng 1/2018, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) báo cáo doanh thu mảng điện thoại giảm 11% trong khi mảng điện máy tăng 28%.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết lý do giảm là MWG chuyển đổi hơn 200 cửa hàng bán điện thoại qua bán điện máy. Về cơ bản, việc tìm mặt bằng cho một cửa hàng 400 – 500 m2 phức tạp hơn việc đang có sẵn cửa hàng 150 – 200 m2 và mở rộng đủ 500m2 nhờ thương lượng với những nhà bên cạnh. Do đó, doanh thu cửa hàng được hạch toán qua chuỗi điện máy thay vì vẫn ghi nhận ở chuỗi điện thoại.
Hơn nữa, mùa Tết năm nay rơi vào tháng 2 trong khi năm ngoái lại là tháng 1. Nếu so sánh cùng kỳ năm trước thì nên so sánh tháng 2 năm nay với tháng 1 năm trước mới hợp lý. Nhìn tổng quan 2 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của MWG vẫn tăng trưởng khả quan.
2 tháng doanh thu tăng 48%, lãi tăng 46%
Cụ thể MWG báo cáo doanh thu tăng 48% và lợi nhuận tăng 46%, lần lượt đạt 16.511 tỷ đồng và 606 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chuỗi điện thoại tăng 5% và doanh thu chuỗi điện máy tăng tới 88%. Chuỗi Bách hóa Xanh đã đóng góp 381 tỷ đồng doanh thu và 8 cửa hàng BigPhone cũng đem về 8 tỷ doanh thu.
Tính tới cuối tháng 2/2018, MWG có 1.071 cửa hàng bán lẻ điện thoại, 673 cửa hàng điện máy, 324 cửa hàng bách hóa.
Mua Trần Anh rồi thấy ‘có nhiều cái dở’
Ông Trần Kinh Doanh, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế Giới Số Trần Anh (Mã: TAG) cho biết thương vụ mua lại TAG “có nhiều cái dở”. Hoàn thành giao dịch vào cuối năm 2017 nhưng gặp mùa Tết nên MWG chưa can thiệp bất cứ điều gì ở Trần Anh, chỉ tập trung cho hàng hóa và ổn định nhân sự.
Hiện nay, khi soi kỹ vào một số chỉ số tài chính của Trần Anh, ông Doanh cho biết nếu so sánh một cửa hàng của Điện máy Xanh và Trần Anh, để tạo ra một doanh thu như nhau, lãi gộp Điện Máy Xanh cao hơn Trần Anh từ 5 – 6%. Chi phí của Trần Anh cũng cao hơn Điện Máy Xanh khoảng 3%.
Chi phí khác biệt nhất theo ông Doanh là chi phí thuê mặt bằng. Chẳng hạn, để tạo ra 10 tỷ doanh thu, Điện Máy Xanh chỉ cần một siêu thị diện tích 700 – 800 m2 nhưng Trần Anh cần tới 1.500 – 2.000 m2.
Vì vậy, MWG đang thực hiện sắp xếp lại trong vài tháng tới, dự kiến đến tháng 7 sẽ đưa lãi gộp chênh lệch về khoảng 1%, giảm chi phí Trần Anh khoảng 50%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm kết thúc ngày 31/12/2017 theo niên độ kế toán của Trần Anh, công ty báo lỗ hơn 55 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quý MWG tiếp quản, Trần Anh lỗ gần 44 tỷ đồng. Trả lời báo chí, ông Doanh cho biết trong quá trình chuyển giao của 2 doanh nghiệp, các siêu thị điện máy Trần Anh đã rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho rằng nhà đầu tư không nên nhìn quá sâu vào con số trên báo cáo tài chính của Trần Anh. Bởi vì khi MWG mua Trần Anh về, mọi hoạt động kinh doanh của công ty này đã được gộp vào MWG và hoạt động như các siêu thị trong chuỗi Điện Máy Xanh. Khách hàng miền bắc vào Trần Anh mua hàng với tâm lý giá rẻ nhưng MWG sẽ dần thay đổi thói quen đó, tạo ra giá trị riêng và hi vọng sẽ bán được giá tốt hơn, cải thiện lợi nhuận của Trần Anh.
Quay trở lại nguyên nhân mua Trần Anh, trước đây ông Doanh từng thừa nhận Điện Máy Xanh không mở được các cửa hàng đủ lớn, đủ hiệu quả ở các khu trung tâm để phục vụ người dân. Các chuỗi điện máy Pico, Trần Anh, Media Mart làm được điều đó và đã tồn tại khá lâu. Điện Máy Xanh đã nỗ lực nhưng chưa thực sự có cửa hàng đỉnh, tạo ra doanh thu lớn.
Ngược lại, Trần Anh hiện có 39 cửa hàng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc khác. Có mặt ở miền bắc là một lợi thế che lấp phần khiếm khuyết từ MWG – công ty chỉ đang chiếm khoảng 15% thị phần điện máy ở Hà Nội nhưng có tham vọng đẩy mạnh mảng điện máy ra quy mô toàn quốc, đánh chiếm thị phần miền bắc. Sau khi hoàn tất mua Trần Anh, MWG chiếm hơn 30% thị phần điện máy cả nước.