Vẫn còn nhiều bất cập
Đánh giá về VAMC sau 5 năm hoạt động, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Cơ chế xử lý nợ xấu qua VAMC giúp các TCTD phân bổ chi phí xử lý nợ xấu, tổn thất tín dụng dự kiến thông qua việc trích lập dự phòng (TLDP) trái phiếu đặc biệt (TPĐB) phù hợp với khả năng chịu đựng của TCTD, không làm suy giảm các chỉ tiêu an toàn hoạt động và mức độ lành mạnh tài chính của TCTD.
Thông qua VAMC, các khoản nợ xấu được tái tài trợ để tạo nguồn vốn mới đưa vào kinh doanh. Đồng thời hỗ trợ các TCTD trong việc quản lý, theo dõi, thu hồi nợ đối với khoản nợ xấu đã được VAMC mua để tập trung quản lý, kiểm soát chất lượng đối với những khoản cấp tín dụng mới”.
TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách – Phát triển, cho rằng việc thành lập VAMC có ý nghĩa lớn đối với hoạt động xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, thể hiện trên một số vấn đề: (i) Thông qua hoạt động của VAMC, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn mà hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC đặt ra, các cơ quan quản lý có liên quan thấy rõ hơn, phát hiện thêm các lỗ hổng pháp lý cần phải xây dựng các văn bản luật để tạo điều kiện, thúc đẩy xử lý nợ xấu.
(ii) Đặt ra yêu cầu cấp thiết và đặc biệt là tạo tiền đề để xây dựng một thị trường mua bán nợ hướng theo thông lệ quốc tế. (iii) Hoạt động và những thông tin về xử lý nợ xấu của VAMC được truyền thông góp phần hướng công chúng hiểu thêm về nợ xấu, cách xử lý… và thông qua đó tạo cho khách hàng vay nợ có ý thức trả nợ.
Còn theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, việc mua nợ xấu của TCTD thanh toán bằng TPĐB đã giúp các TCTD giảm thiểu áp lực trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), lành mạnh hóa tài chính.
“Thời gian qua, VCB nhận thấy đã có sự chuyển biến tích cực và đồng cảm trong quan điểm của xã hội về việc xử lý nợ của các TCTD. Các khách hàng nợ xấu cũng đã có thái độ hợp tác hơn trong quá trình làm việc với các TCTD. Nhiều trường hợp, khách hàng nợ xấu đã chủ động bàn giao tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho VCB để xử lý phát mãi, hoặc huy động nhiều nguồn lực khác để trả hết nợ xấu cho VCB. Các cơ quan, ban ngành địa phương cũng đã có những sự hỗ trợ tích cực đối với công tác thu hồi nợ” – ông Thắng cho biết.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, VAMC mới chỉ là “bãi đỗ xe”, tức mới là nơi gom nợ xấu, chưa bán được nhiều nợ hay TSBĐ. Quan điểm này có thể mình chứng bằng số liệu mua nợ trong 4 năm (2013-2016) của VAMC gần 246.000 tỷ đồng nhưng VAMC chỉ bán nợ gần 9.000 tỷ đồng và hơn 11.000 tỷ đồng TSBĐ.
Như vậy, các khoản nợ xấu của TCTD đã được bán cho VAMC nhưng VAMC chủ yếu thực hiện chức năng quản lý danh mục và hồ sơ nợ xấu, trách nhiệm thu hồi chính vẫn thuộc về TCTD. Các TCTD vẫn phải thường xuyên báo cáo VACM về phương án áp dụng, tiến độ, kết quả thu hồi các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Vì vậy tính chủ động trong việc áp dụng phương án xử lý nợ của các TCTD đã bị giảm sút.
Ngoài ra, một số biện pháp xử lý nợ khác theo các quy định của pháp luật hiện hành, TCTD có thể thực hiện một cách chủ động với các trình tự thủ tục đơn giản, như giảm, miễn lãi; phát mại TSBĐ thông qua đấu giá; mua bán nợ… thay vì bán sang VAMC ngoài các quy định trên phải tuân theo các quy định riêng của VAMC.
Cần hành lang pháp lý cụ thể
Trong các năm qua, một số NH đã thực hiện thành công nhiều khoản mua bán nợ theo giá thị trường với nhiều đối tác, trong đó có cả công ty mua, bán nợ của Bộ Tài chính (DATC), nhưng rất ít NH thực hiện bán nợ theo giá thị trường thành công cho VAMC. 2017, là năm đầu tiên VAMC đạt được kết quả khả quan trong hoạt động mua nợ theo giá thị trường (đạt hơn 3.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so kỳ vọng của các TCTD.
Bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc AMC của Techcombank nói: “Để công tác xử lý nợ xấu của VAMC đạt được kết quả tích cực hơn trong thời gian tới cần xây dựng sàn giao dịch chào mua, chào bán các TSBĐ cho các khoản nợ xấu. Công bố rộng rãi và tạo điều kiện cho bên mua dễ dàng tiếp cận thông tin và xử lý nhanh các thủ tục để chuyển nhượng tài sản cho bên mua”.
Về vấn đề này, ông Đoàn Mạnh Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, đây là một trong những khó khăn, tồn tại chưa được giải quyết trong hoạt động của VAMC. Hiện tại, Chính phủ mới ban hành nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, trong khi Bộ Tài chính mới được giao xúc tiến xây dựng dự thảo nghị định quy định về hoạt động mua bán nợ. Vì thế, hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, cũng như sàn giao dịch nợ vẫn còn là một khoảng trống chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Theo quy định hiện hành, các khoản nợ được giao dịch trên thị trường mua bán nợ hoặc sàn giao dịch mua bán nợ phải được giao dịch công khai, cho mọi đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu mua để tiếp cận. Tuy nhiên, các khoản nợ của VAMC trước khi được phép bán thỏa thuận trên thị trường phải trải qua nhiều thủ tục và điều kiện. Đối với các khoản nợ mua bằng TPĐB phải trải qua bước bán đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh ít nhất 1 lần không thành, VAMC mới được bán khoản nợ theo phương thức thỏa thuận.
Đối với khoản nợ mua theo giá trị thị trường, VAMC cũng chỉ được bán khoản nợ theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi đáp ứng được điều kiện giá bán khoản nợ không thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại VAMC, hoặc sau khi đã bán nợ theo phương thức đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh không thành.
Những quy định này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế việc thông đồng giữa người mua, người bán trong hoạt động xử lý nợ. Tuy nhiên, điều này lại hạn chế khả năng tham gia cũng như việc khẳng định vai trò trung tâm phát triển thị trường mua bán nợ của VAMC.
Theo đề án tái cơ cấu và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020 hướng tới 2022, từ năm 2018 VAMC sẽ tập trung mua bán, xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường. Tuy nhiên, tham gia thị trường mua bán nợ với vai trò bình đẳng như các chủ thể khác, nghĩa là VAMC sẽ bị chi phối bởi biến động của thị trường mua bán nợ. Do đó, VAMC sẽ cân nhắc kỹ trước khi xúc tiến các giao dịch mua bán nợ khi bị ràng buộc bởi quy định phải bảo toàn vốn nhà nước.