Tỷ giá – dấu ấn nhà điều hành
“Nếu như công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) là điểm sáng trong nền kinh tế năm 2013, thì việc giữ ổn định tỷ giá được xem là một trong những dấu ấn của nhà điều hành, tức NHNN” – đó là nhìn nhận của một chuyên gia kinh tế dành cho lĩnh vực điều hành CSTT. Còn TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì nhấn mạnh: “Dự trữ ngoại tệ tăng từ 7 tỷ USD năm 2008 đến năm 2013 tăng lên 28 tỷ USD. Đặc biệt, đưa thêm tiền đồng ra mua lượng lớn ngoại tệ mà không gây ra lạm phát là sự kinh ngạc”.
Nhìn lại những năm trước đây, tỷ giá thường xuyên biến động, áp lực tăng tỷ giá là thường xuyên, xu hướng chuyển dịch từ việc nắm giữ VND sang USD tạo sức ép tăng cầu ngoại tệ. Do đó, NHNN phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, làm dự trữ ngoại hối Nhà nước giảm xuống mức thấp (khoảng 10 tỷ USD vào cuối năm 2011), gây khó khăn cho việc điều hành và ổn định thị trường tiền tệ.
Tỷ giá ổn định làm tăng niềm tin vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp
Từ cuối năm 2011, NHNN đã đặt mục tiêu kiểm soát tỷ giá tăng không quá 1% và tiếp tục đặt mục tiêu ổn định tỷ giá trong biên độ tăng không quá 2-3%/năm trong năm 2012 và năm 2013, nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của VND, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong việc lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh.
Có thể nói, sau những đợt điều chỉnh mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng và duy trì ở mức 20.828 đồng/USD trong gần 18 tháng, và chỉ được điều chỉnh tăng 1% vào ngày 28/6/2013 lên mức 21.036 đồng/USD là một thành công trong chính sách tỷ giá “ổn định nhưng không cố định” của NHNN.
Bên cạnh đó, năm 2013, chính sách tỷ giá của NHNN đã vượt qua những sức ép thị trường từ những tin đồn điều chỉnh. Cụ thể, ngày 22/8/2013 khi một số NHTM nâng giá bán USD từ 21.170 đồng lên 21.190 đồng/USD, tăng 70 đồng so với trước đó một ngày khiến xuất hiện tin đồn sắp tăng tỷ giá; tiếp đó, vào đầu tháng 12/2013 cũng xuất hiện tin đồn điều chỉnh tỷ giá khiến giá bán USD của các NHTM bị đẩy lên 21.350 đồng/USD.
Tuy nhiên, sau thông điệp chính thức phát đi từ NHNN là sẽ không điều chỉnh tỷ giá tới hết năm 2013, thị trường đã hạ nhiệt. Như vậy, kết thúc năm 2013, tỷ giá liên ngân hàng ở mức 21.036 đồng/USD và các NHTM mua vào ở mức 21.030 đồng/USD, bán ra 21.036 đồng/USD.
Đánh giá về giải pháp điều hành tỷ giá ngoại tệ năm 2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, năm qua, NHNN điều chỉnh tỷ giá là 1% và dự kiến thị trường sẽ tự điều chỉnh thêm khoảng 1% nữa, thì vẫn nằm trong kiểm soát. Nhưng thực tế, ngay cả khi khó khăn nhất và thị trường đối mặt với nhiều tin đồn thất thiệt thì tỷ giá trên thị trường cũng chỉ điều chỉnh tối đa 0,6%.
Ngoài ra, sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá, kết hợp chặt chẽ với công cụ lãi suất trong năm 2013 đã đưa mặt bằng lãi suất cho vay VND giảm xuống, tín dụng ngoại tệ tăng chậm lại, góp phần cải thiện thanh khoản ngoại tệ của hệ thống. Không những thế, NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chấn chỉnh có hiệu quả hoạt động thị trường tự do – vốn có lượng giao dịch không nhiều nhưng lại là nguồn cơn của các đợt biến động tỷ giá trước đây.
Bên cạnh đó, yếu tố tác động tỷ giá là vàng cũng được đưa vào khuôn khổ, khiến “cặp đôi” này không còn dựa vào nhau để tung hoành, gây bất ổn thị trường như trước…
Điều hòa lợi ích xuất nhập khẩu
Thông điệp điều hành chính sách tỷ giá năm 2014 đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát đi ngày 24/12/2013 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Theo đó, NHNN sẽ xem xét để điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, một mặt hỗ trợ xuất khẩu, đảm bảo mặt bằng chung để không ảnh hưởng tới lạm phát. Biên độ điều chỉnh trong năm 2014 sẽ không quá 2%. Theo một chuyên gia kinh tế, lời cam kết như vậy sẽ loại dần những tin đồn thổi về tỷ giá trong thời gian tới.
Biên độ điều chỉnh tỷ giá năm 2014 sẽ không quá 2%
Tuy nhiên, chính sách tỷ giá liên quan tới nhiều mục tiêu, điều hòa lợi ích cho cả xuất khẩu và nhập khẩu, chịu tác động từ diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế nên dự báo từ đầu năm là rất khó khăn.
Theo phân tích của giới nghiên cứu, năm 2014, khu vực châu Âu sẽ thoát khỏi khủng hoảng với mức tăng trưởng 0,9%, Mỹ là 2,7% và Nhật là 1,2%. Trung Quốc sẽ tăng trưởng thấp hơn kế hoạch 7,5% trong năm 2013 do phải đối mặt với vấn đề nợ xấu ngân hàng và nợ công địa phương. Khả năng rút dần các chương trình kích thích kinh tế tại các nước sẽ gia tăng thêm áp lực tới tỷ giá và lãi suất, gây khó khăn cho mục tiêu đảm bảo ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Đặc biệt, giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng giảm có thể ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
“Mục tiêu chính sách lãi suất và tỷ giá năm 2014, vẫn phải giữ thế chủ động trước diễn biến thế giới và trong nước, chủ động dẫn dắt và định hướng thị trường trên cơ sở các tín hiệu của nền kinh tế vĩ mô; điều hành theo hướng linh hoạt, nhưng không hoàn toàn nới lỏng trong điều hành chính sách để vừa kiềm chế lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” – Nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược ngân hàng kiến nghị.
TS. Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mặc dù dự trữ ngoại hối đã đạt 12 tuần nhập khẩu, nhưng năm 2014, đòi hỏi mức tăng trưởng GDP ở mức 5,8% nên tổng cầu sẽ tăng, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sẽ cao hơn nên chính sách tỷ giá vẫn cần được điều hành chặt chẽ.
“Thị trường năm 2014 sẽ khó xuất hiện các tin đồn liên quan tới tỷ giá, khi trong vài năm qua, NHNN đã làm nản lòng những kẻ đầu cơ dựa vào tin đồn. Nhưng cần kiên trì mục tiêu ổn định tỷ giá trong một giới hạn nếu có biến động thì cả năm 2014 – 2015 không vượt quá 2-2,5% mỗi năm” – một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.