Mới đây Công ty cổ phần Vincom (Mã: VIC) trình ĐHCĐ kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho NĐT Nước ngoài hoặc cổ đông bảo lãnh cho “Hợp đồng vay chuyển đổi của công ty”. Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông lớn của VIC đứng ra đảm bảo nghĩa vụ của Công ty thông qua việc ký một Hợp đồng cầm cố với Bên nhận cầm cố, đại diện của bên cho vay.
Trong trường hợp Vincom không phát hành được cổ phần để chuyển đổi theo đúng yêu cầu của bên cho vay, thì ông Vượng sẽ chuyển số cổ phần đã cầm cố tương ứng cho bên nhận cầm cố.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Duy Khánh, Trưởng phòng phân tích công ty Chứng khoán SME, xung quanh đợt huy động vốn khá “mới lạ” của VIC.
Xin ông cho biết đánh giá của ông về phương án huy động mới đây của Công ty cổ phần Vincom? Đâu là những lợi điểm của phương án này?
Điều đầu tiên do tôi không có bản cáo bạch và thông tin chi tiết về đợt phát hành này của công ty cổ phần VinCom nên khó đánh giá một cách chính xác về đợt phát hành. Các đánh giá dưới đây cũng chỉ mang tính giả định về những phương án có thể xảy ra, dựa trên kinh nghiệm mà tôi biết được ở các quốc gia phát triển.
Về câu hỏi này, tôi thấy đây là một phương án phát hành rất mới và ở Việt Nam chưa có công ty nào áp dụng.
Với phương án phát hành này, điểm thuận lợi nhất chính là việc trái chủ có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu trong bất cứ thời điểm nào. Sau đó, có thể bán ngay số cổ phiếu đó mà không phải công bố do tỷ lệ phát hành dưới 5%. Trái chủ chuyển đổi và lấy ngay cổ phiếu của chủ tịch, thực hiện giao dịch bán khi thấy giá cổ phiếu có lời như mong muốn.
Một số nhà đầu tư lo ngại phương án này ảnh hưởng đến quyền lợi của mình như việc phát hành thêm sẽ làm pha loãng cổ phiếu. Xin ông cho biết đánh giá về những lo ngại như vậy?
Chúng ta chưa thể khẳng định rằng việc phát hành này sẽ làm pha loãng cổ phiếu bởi chưa chắc các trái chủ sẽ thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Nhưng ngay cả trong trường hợp chuyển đổi thành cổ phiếu thì việc phát hành cũng mang lại nhiều lợi thế cho VinCom.
Trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ gặp nhiều khó khăn, việc huy động vốn thông qua việc vay ngân hàng phải chịu chi phí lãi vay rất cao. Hoặc phát hành khó thành công do cổ đông hiện hữu không nộp tiền thực hiện quyền. Vì thế việc huy động vốn trên thị trường quốc tế là một giải pháp tốt.
Với phương án phát hành như hiện tại của VinCom thì mức lãi suất huy động cũng thấp hơn mức lãi suất cho vay VND hay USD của các NHTM trong bối cảnh hiện tại. Doanh nghiệp chỉ phải chịu rủi ro tỷ giá nhưng có lẽ không quá lớn, do khoản vay chỉ kéo dài có 11 tháng.
Trong thời gian đó nếu có điều chỉnh tỷ giá thì dự báo sẽ khoảng 5%, vẫn thấp hơn so với chi phí lãi vay bằng VND vào khoảng 25 – 26%/năm đối với doanh nghiệp BĐS.
Trái phiếu này được đảm bảo bằng cổ phiếu của cổ đông lớn là điều kiện phát hành khá thoáng. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản muốn phát hành trái phiếu thì phải là loại trái phiếu có tài sản đảm bảo được định giá gấp từ 1,5 tới 2 lần giá trị khoản vay.
Ngay cả trong trường hợp này, nếu muốn bán được trái phiếu thông thường các doanh nghiệp phát hànhphải thu xếp để có bảo lãnh thanh toán cả gốc lẫn lãi của 1 đơn vị kiểm toán (thuộc Big4) thì các đối tác mới chấp nhận mua. Nếu diễn biến giá cổ phiếu theo chiều hướng tích cực, khoản vay này sẽ chuyển thành cổ phần của công ty.
Tỷ lệ phát hành pha loãng cổ phiếu cũng không quá lớn nếu tất cả trái phiếu chuyển thành cổ phiếu (dưới 2% – PV).
Ngoài ra, khi chuyển thành cổ phiếu thì cơ cấu vốn của công ty cũng sẽ được cải thiện theo hướng giảm tỷ trọng dư nợ vay, đang ở mức rất cao so với các công ty cùng ngành.
Với việc vay vốn thông qua phương án bảo lãnh chưa có tiền lệ. Xin ông cho biết trong điều kiện và những công ty như thế nào có thể thực hiện những phương án huy động vốn như vậy ? Liệu đây có phải là lời giải cho việc huy động vốn trên TTCK Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay?
Như đã chia sẻ, do không có thông tin chi tiết về đợt phát hành lần này nên tôi dựa theo kinh nghiệm của mình để phỏng đoán về phương án phát hành của VinCom. Trên thế giới, việc phát hành trái phiếu chuyển đối được đảm bảo bằng cổ phiếu của chủ tịch công ty không phải là hình thức xa lạ.
Phương án phát hành thường được thiết kế giống một dạng “Put Option” chứ không hẳn là dạng trái phiếu chuyển đổi.
Đối tượng mua là các quỹ có tư tưởng lướt sóng cổ phiếu. Họ nhắm vào khoản lợi nhuận do chênh lệch giá của cổ phiếu nên chi phí lãi suất thường thấp.
Lượng phát hành cho các đối tác sẽ đảm bảo thấp hơn số cổ phiếu khi bán phải công bố thông tin theo quy định, tại Việt Nam sẽ thấp hơn 5% cho một tổ chức.
Thông thường cả đối tượng sở hữu trái phiếu và doanh nghiệp phát hành đều có quyền lựa chọn trong phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi này.
Các doanh nghiệp phát hành là những doanh nghiệp cần vốn, lãnh đạo nắm giữ nhiều cổ phiếu để biểu quyết thông qua các phương án mong muốn và phải là doanh nghiệp đã niêm yết, có tính thanh khoản cao.
Cụ thể, VinCom mặc dù khối lượng giao dịch hàng ngày không nhiều, nhưng khi các nhà đầu tư khi bán mạnh cổ phiếu này thì lập tức cầu cũng tăng theo.
Theo tôi, đây sẽ là lời giải cho bài toán cho việc huy động vốn trên TTCK Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Từ sự kiện này có thể khởi đầu cho một trào lưu mới trong việc thiết kế cấu trúc phức tạp hơn các phương án hợp tác tài chính.