Phân tích của Moody Investors Service dựa trên báo cáo mới nhất của 16 ngân hàng Việt Nam, chiếm 61% tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng (tính tới thời điểm ngày 30/6/2019).
Moody’s cho biết, các ngân hàng Việt Nam đã công bố mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan và chất lượng tài sản được cải thiện trong năm 2019. Điều này được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô phát triển mạnh mẽ. Nhưng chính sự cải thiện về khả năng thanh toán đã đạt đến đỉnh điểm sẽ là rủi ro cho năm 2020.
Cơ quan này bày tỏ kỳ vọng trong năm 2020 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cho phép các ngân hàng đạt chuẩn Basel II có khả năng tài chính tốt được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng chưa đạt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm chạp hơn khi áp lực cạnh tranh gia tăng làm tăng chi phí huy động vốn.
“Xét về yếu tố lợi nhuận, ngày càng có sự phân hóa giữa nhóm các ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn vốn Basel Il mới và những ngân hàng còn lại”, Rebaca Tan, trợ lý Phó chủ tịch kiêm chuyên gia phân tích tại Moody’s nhận định.
Tỷ lệ vốn lõi (TCE) trên tổng tài sản của các ngân hàng được xếp hạng tăng lên 6,9% vào cuối năm 2020 từ mức 6,2% trong năm 2018.
Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng nhỏ sẽ cần tăng thêm vốn để hỗ trợ tăng trưởng tài sản trong khi vẫn đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn tối thiểu.
“Cho đến năm 2020, cơ cấu vốn sẽ chủ yếu ổn định khi tốc độ tăng trưởng của tài sản ngang bằng với tỷ suất tạo vốn nội bộ. Đối với chất lượng tài sản, mọi sự cải thiện sẽ bị hạn chế”, Rebaca Tan cho biết thêm.
Phân tích của Moody’s cũng đồng thời chỉ ra các rủi ro bất lợi đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam có thể phát sinh từ sự lây lan khó lường của virus Covid-19. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại trao đổi hàng hóa, dẫn đến gia tăng các khoản nợ xấu từ các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực khác có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thái Bích Phương