Thông báo của EC hôm 4/7 nhấn mạnh việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót.
Vì sao chưa cải thiện?
Mặt khác, theo EC, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp. Chưa kể, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế.
Từ nhận định này cho thấy những nỗ lực của cơ quan quản lý, của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) và các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực hải sản là chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ phía EC.
Nên nhắc lại ý kiến của ông Huỳnh Thanh Lĩn, Giám đốc xuất nhập khẩu của công ty TNHH Hải Vương (khu công nghiệp Suối Dầu, Khánh Hoà), chính các DN nhập khẩu thuỷ hải sản để sản xuất và xuất khẩu (XK) lo IUU hơn ai hết, bởi nếu hàng qua đến thị trường châu Âu (EU) mà bị trả về hoặc bị tiêu huỷ thì DN phải chịu trận đầu tiên.
“Trong cảnh báo IUU, EU quan tâm đến cách thức quản lý ở Việt Nam như thế nào đối với nguyên liệu hải sản chế biến có hợp pháp hay không. Và điều các cơ quan quản lý và DN cần làm hiện giờ là nên tập trung vào xử lý những vấn đề hàng đầu mà phía EC đã cảnh báo với Việt Nam khi giơ thẻ vàng”, ông Lĩn nhấn mạnh.
Tính từ khi EC cảnh báo thẻ vàng từ ngày 23/10/2017 vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp, đến nay việc nhận thẻ vàng của EU đã gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến việc XK hải sản sang thị trường EU.
Hiện nay, thị trường EU chiếm 16 – 17% tổng kim ngạch XK các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam hàng năm với giá trị khoảng 350 – 400 triệu USD/năm.
Trước đây, các mặt hàng hải sản khai thác biển luôn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu XK sang EU, nhất là kim ngạch XK các mặt hàng cá ngừ, bạch tuộc, cá thu, cua – ghẹ, cá biển các loại… đạt kim ngạch 350 – 400 triệu USD/năm trong 3 năm qua, tương đương xấp xỉ 30% tổng kim ngạch XK thuỷ hải sản của Việt Nam sang EU.
Doanh nghiệp còn vướng
Thế nhưng, như những gì mà EC vừa thông báo, nếu so sánh với tình hình hiện nay, theo giới chuyên gia, quy trình yêu cầu DN phải nộp giấy chứng nhận khai thác của EU (C/C) trong hồ sơ kiểm dịch thuỷ sản được cho là khó phù hợp với thực tế. Bởi lẽ, với quy trình này thì thời gian để chủ tàu/ chủ hàng có thể cung cấp C/C cho người mua là ít nhất một tháng kể từ ngày nhập khẩu.
Có thể tính chi tiết thời gian cần phải có để cấp một C/C gồm khâu bốc hàng tại cảng và xin xác nhận của cảng về lượng hàng thực tế. Đơn cử, một tàu 3.000 tấn cá đông lạnh cập cảng Việt Nam với năng suất bốc hàng bình quân 200 tấn/ ngày (nhiều cảng không đạt được năng suất này) cộng thêm thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh, xin xác nhận của cảng thì mất ít nhất 20 ngày.
Đó là tính cho trường hợp một con tàu bán cho một chủ hàng. Trường hợp một tàu vào bán cho nhiều chủ hàng ở nhiều cảng khác nhau thì thời gian này sẽ tăng thêm nhiều lần.
Trong khi đó, thời gian để chủ tàu/chủ hàng chuyển hồ sơ có xác nhận của cảng về cho cơ quan thẩm quyền nước treo cờ xác nhận và xác minh, cấp C/C cũng ít nhất 8 – 10 ngày.
Trở lại thông báo của EC, liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát và giám sát tàu cá, EC cho rằng Việt Nam chưa thể hiện được trách nhiệm đầy đủ của quốc gia treo cờ (quản lý tàu cá) và trách nhiệm của quốc gia ven biển (bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản).
Chính vì vậy mà EC lưu ý Việt Nam cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể về lắp thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đảm bảo việc thực thi các quy định về lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, ngay khi Luật Thuỷ sản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Trong vấn đề mà các DN hải sản đang gặp phải như hiện nay, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Vasep, Chủ tịch Uỷ ban Hải sản Vasep, cho rằng điều cần phải quan tâm là cơ sở hậu cần vẫn chưa có sự đầu tư đúng mức để ngành hải sản lớn mạnh.
“Tôi mong muốn Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ cho ngành hải sản những cơ sở hạ tầng đúng mức và cần hạn chế các thiếu sót, yếu kém trong vấn đề quản lý về tàu thuyền, về định vị, cũng như quản lý về cảng để hy vọng ngành hải sản Việt gỡ thẻ vàng và dần lấy lại thẻ xanh trong thời gian ngắn nhất”, bà Sắc chia sẻ.
Có lẽ, dựa vào nhận định mới nhất của EC và những vướng mắc trong hoạt động triển khai khắc phục thẻ vàng IUU, rất cần phía cơ quan quản lý phối hợp tích cực hơn với Vasep và cộng đồng DN để vừa đảm bảo quản lý tốt vừa phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam và gỡ vướng cho DN khi thực hiện.