Ðó là Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Ðịnh, vừa bị phạt 200 triệu đồng do vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn (thuộc trường hợp đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn từ trên 9 tháng đến 12 tháng) như quy định tại Nghị định 145/2016/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Sau vụ xử phạt Dệt may Nam Ðịnh, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp cổ phần hóa tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dường như đưa cổ phiếu lên sàn nhanh hơn. Chẳng hạn, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL), Tổng công ty Ðiện lực dầu khí Việt Nam (POW), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco3) – tất cả đều tuân thủ khá nghiêm việc đưa cổ phiếu lên sàn.
Theo đó, ngoài BSR, OIL và POW đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, VRG và EVN Genco3 cũng sẽ lên giao dịch trên thị trường này vào ngày 21/3 tới.
Diễn biến này khác hẳn với giai đoạn trước đây, khi mà tình trạng doanh nghiệp sau IPO chây ì lên sàn là phổ biến. Theo HNX, trong năm 2017, chỉ có 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (SKH), Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (TLP) và Tổng công ty Ðầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDC) thực hiện đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán sau khi cổ phần hóa.
Còn theo công bố của Văn phòng Chính phủ, trong năm 2017, còn khoảng hơn 700 doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm đưa cổ phiếu lên sàn. Những cái tên chây ì đưa cổ phiếu lên sàn, ngoài trường hợp của Dệt may Nam Ðịnh, có thể kể đến như Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM), Tổng công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed)…
Thực tế trên cho thấy, để trả “món nợ” thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải “rắn tay” hơn trong tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm, đồng thời công khai ra thị trường để tạo tính răn đe.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Ðổi mới và phát triển doanh nghiệp năm 2018, vừa được Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ – Trưởng ban Chỉ đạo ký ban hành (tại Quyết định 112/QÐ-BÐMDN), đó là chỉ đạo người đại diện đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Với quyết tâm từ Chính phủ, năm 2018, các doanh nghiệp đại chúng khó có thể được “ân hạn” thêm nữa “món nợ” lên sàn.