Tháng 7, VND mất giá hơn 1,15% so với USD
Thị trường ngoại hối đã trải qua đợt biến động mạnh nhất trong hơn một năm trở lại đây khi tỷ giá VND/USD đã mất giá hơn 1,15% trong tháng 7/2018, từ mức 23.030 đồng/USD đầu tháng tăng lên 23.295 đồng/USD vào cuối tháng. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, tỷ giá VND/USD đã mất giá tổng cộng 2,62%.
Diễn biến trên thị trường trong tháng 7/2018 đã cho thấy vai trò chủ động, linh hoạt trong việc điều tiết tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ quan này đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 19 điểm so với mức đóng cửa cuối tháng trước, tương đương với mức tăng 0,15%. Trong khi đó, biên độ giao dịch vẫn được giữ nguyên ở mức +/- 3%, tỷ giá mua vào giao ngay và kỳ hạn ổn định ở mức lần lượt là 22.700 đồng/USD và 22.775 đồng/USD, không đổi so với tháng trước đó.
Dẫu vậy, trong tháng 7/2018 cũng có những điểm đáng chú ý, đó là NHNN đã 2 lần điều chỉnh tỷ giá bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại, vào ngày 3/7 khi tỷ giá được yết cố định ở mức 23.050 đồng/USD và 23/7 khi tỷ giá được yết ở mức 23.273 đồng/USD, với cách thức yết tỷ giá mới (theo công thức: Tỷ giá niêm yết bán ra = Tỷ giá trần cho phép – 50 điểm).
Và bắt đầu từ ngày 13/7, NHNN cũng đã thực hiện bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết, NHNN đã bán ra 2 tỷ USD để hỗ trợ thị trường giai đoạn vừa qua.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, áp lực đối với VND trong tháng 7/2018 chủ yếu do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung làm đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá mạnh so với USD, khoảng gần 3%. Nếu tính từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7, nhân dân tệ đã mất giá 6,6%, mạnh nhất trong vòng 2 tháng từ trước đến nay. Việt Nam là quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, nên việc nhân dân tệ mất giá đã gây sức ép lên VND.
Theo vị giám đốc trên, trong tháng 7/2018, cung – cầu từ các hoạt động cơ bản chưa có biến động lớn. Mặc dù giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì ổn định vào khoảng 1,5 tỷ USD, nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa bất ngờ thâm hụt trở lại khoảng 300 triệu USD. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng bán ròng khoảng 100-150 triệu USD trên TTCK và phát sinh nhu cầu ngoại tệ lớn của một vài doanh nghiệp.
“Những dịch chuyển lớn từ quốc tế cùng chính sách điều hành của NHNN đã làm thay đổi tâm lý thị trường và tất yếu hình thành mặt bằng tỷ giá mới”, vị giám đốc này nói.
Tháng 8, tỷ giá được dự báo ổn định
Ông Andreas Hauskrecht, Giáo sư Trường Đại học Indiana Hoa Kỳ, Thành viên Nhóm sáng kiến Việt Nam cho biết: “Năm 2017, NHNN đã mua vào hơn 12 tỷ USD và tiếp tục mua thêm 11 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm, qua đó nâng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên 63,5 tỷ USD – mức kỷ lục từ trước đến nay. Như vậy, NHNN có đủ công cụ để kiểm soát tỷ giá”.
Cũng theo Giáo sư Andreas Hauskrecht, trong những tháng đầu năm 2018, luồng vốn đầu tư gián tiếp FII ra là có, nhưng không quá lớn. Trong khi đó, luồng vốn đầu tư trực tiếp FDI vẫn tiếp tục vào Việt Nam, nên thị trường ngoại hối ảnh hưởng không nhiều.
“Việt Nam hiện nay vẫn đang hấp dẫn và có nhiều lý do để các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư. Tôi cho rằng, trong những tháng cuối năm, TTCK Việt Nam sẽ ổn định và thu hút trở lại dòng vốn FII, trong khi dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh”, giáo sư nói.
Trước dự đoán áp lực từ thị trường quốc tế tiếp tục là một ẩn số lớn, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường, Giáo sư Andreas Hauskrecht nhận định: “Tác động bất lợi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD lên Việt Nam là hạn chế.
Vốn FII theo giá trị ròng gần như không thay đổi. Sẽ là tích cực khi luồng vốn FII tiếp tục chảy vào Việt Nam, nhưng tiền ‘nóng’ vào nhanh thì cũng sẽ ra nhanh. Điều này sẽ gây bất ổn lớn, nên phải dựa vào FDI. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMMF), vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong thời gian tới”.
Một điểm đáng chú ý được ông Andreas Hauskrecht đề cập là vào năm 1998, tỷ lệ đô-la hoá trong nền kinh tế Việt Nam là 47%, nhưng hiện nay, tỷ lệ này là dưới 8%. Giáo sư Andreas Hauskrecht nhấn mạnh: “Việt Nam là một điển hình thành công trong việc chống đô-la hóa nền kinh tế. Do đó, NHNN cần tiếp tục theo đuổi chiến lược chấm dứt đô-la hóa đã được hoạch định đúng đắn và bài bản.
Hiện tại, tỷ lệ đô-la hóa dù đã thấp, nhưng vẫn cần giảm thêm. Tôi ủng hộ chính sách không áp lãi suất lên tiền gửi USD. Nếu trả lãi suất cho tiền gửi USD thì đây là sai lầm kỹ thuật, bởi sẽ khiến tiền gửi tiết kiệm USD trở nên hấp dẫn và giảm chức năng lưu trữ giá trị của VND, điều này tất yếu sẽ tạo áp lực lên tỷ giá”.
Phát biểu kết luận tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2018, về công tác xây dựng thể chế và phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể”.
Sau đó, ngay đầu tháng 8/2018, Thống đốc Lê Minh Hưng đã ban hành Chỉ thị số 04 /CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018. Trong đó nêu rõ, tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường, cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế tình trạng đô-la hóa và vàng hóa trong lãnh thổ; kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ…
“NHNN cũng sẽ điều hành đồng bộ các giải pháp khác như duy trì tỷ giá trung tâm và tỷ giá bán ra trong biên độ hẹp, duy trì hút tiền qua kênh tín phiếu để định hướng mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, tránh tái diễn hiện tượng chênh lệch sâu lãi suất VND-USD. Theo đó, dự báo thị trường ngoại hối tháng 8/2018 có thể ổn định hơn so với tháng 7, song vẫn phải thận trọng trước các diễn biến khó lường phía trước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.