Cuộc khủng hoảng của các nhà băng lớn vào năm 2008 đã trở thành câu chuyện xa xôi trên toàn cầu, nhưng không phải với Deutsche Bank. Ngân hàng lớn nhất nước Đức vẫn đang trong tháng ngày lao đao với 3 năm thua lỗ liên tiếp, cổ phiếu giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong 3 năm thay 4 vị CEO, gần như mỗi tuần đều có một lãnh đạo cấp cao bị thay thế.
Hiện tại, Christian Sewing, 47 tuổi, là vị CEO thứ tư nắm giữ chức vụ CEO Deutsche Bank. Ông đại diện cho thế hệ quản lý trẻ tuổi hơn, nhưng vẫn phải đối mặt với những vấn đề cũ mà người tiền nhiệm không thể giải quyết.
Trước đó, Giám đốc tài chính James von Moltke cho rằng, Deutsche Bank chịu thiệt hại bởi “chuỗi sụt giảm doanh thu, chi phí hoạt động đắt đỏ”. Ban lãnh đạo đã nhiều lần cải tổ động lực tăng trưởng nhưng không thành công. Vấn đề của nhà băng này còn bao gồm hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời, sự lãnh đạo yếu kém và tổn thất quá lớn từ những khoản phạt – vào khoảng 17 tỷ USD trong thập kỷ vừa qua, vì những hành vi sai phạm.
Hiện tại, một trong những nhiệm vụ chính của ông Sewing là giải quyết mối quan hệ “nửa yêu nửa ghét” với bộ phận ngân hàng đầu tư của chính mình, khi đây là nơi tạo ra lợi nhuận khổng lồ trong nhiều năm, nhưng cũng là nguyên nhân gây thua lỗ của nhiều năm khác. Deutsche Bank, có trụ sở chính tại Frankfurt là một trong những nhà băng châu Âu đặt được những dấu ấn quan trọng tại phố Wall, nhưng lại đang vật lộn để theo kịp bước chân của những đối thủ tới từ Mỹ, khi các ngân hàng này đang trỗi dậy mạnh hơn từ sau khủng hoảng kinh tế.
Không giống như những người tiền nhiệm, ông Sewing không xuất thân chính thức từ lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Thực tế, ông đã làm việc tại Deutsche Bank từ năm 1989, dành phần lớn thời gian ở các trụ sở London, Singapore, Tokyo và Toronto. Vị trí cao nhất mà ông từng nắm giữ là giám đốc quản lý rủi ro và kiểm toán, cho tới khi được tham gia Hội đồng quản trị vào năm 2015.
Với nền tảng này, ông Sewing được kỳ vọng có thể khiến nhà đầu tư yên tâm hơn về quá trình kiểm soát rủi ro, tìm ra phương pháp giải quyết các tài sản thanh khoản thấp mà Ngân hàng đã tích lũy trong thời gian qua. Cùng là một nhà băng châu Âu tham gia vào cuộc đua với các đối thủ phố Wall, nhưng Deutsche Bank lại chậm chạp hơn nhiều so với một ngân hàng khác là Credit Suisse trong việc cân bằng lại việc tổ chức hoạt động ngân hàng đầu tư sau khủng hoảng.
Với việc tham gia sâu vào hoạt động quản lý rủi ro, nhiều đồn đoán rằng ông Swing sẽ chuyển trọng tâm của Deutsche Bank từ ngân hàng đầu tư trên toàn cầu sang tập trung vào thị trường châu Âu, trong đó có Đức. Tuy nhiên, đây cũng là sự chuyển hướng tiềm ẩn rủi ro, bởi thị trường Đức đã quá đông đúc và biên lợi nhuận thấp.
Giáo sư Brian Scott-Quinn, Giám đốc Chương trình ngân hàng tại Henley Business School cho rằng: “Từ lâu, nước Đức đã không còn cần tới Deutsche Bank. Có rất nhiều ngân hàng bán lẻ tại Đức đang cung cấp những dịch vụ tốt tới khác hàng”.
Bên cạnh đó, động thái này của Deutsche Bank lại khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo lắng. Năm 2008, sự sụp đổ của Lehman Brothers đã dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến 10.000 tỷ USD bốc hơi khỏi các thị trường tài chính thế giới, thì hiện tại, nếu Deutsche Bank đột ngột thay đổi bộ phận ngân hàng đầu tư, nhiều khả năng sẽ gây ra những thiệt hại lên tới 1.100 tỷ USD.
Vì lý do này, ECB đã công bố sẽ tiến hành giám sát đặc biệt các báo cáo về chi phí và kết quả hoạt động của bộ phận ngân hàng đầu tư trong quá trình rút lui của Deutsche Bank, nhằm đo lường mức độ tổn thất mà quá trình này gây ra cho sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu.