Ngày 21/03/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của CTCP Dịch vụ Hàng Hóa Sài Gòn (SCS) với số lượng đăng ký niêm yết gần 50 triệu cp.
Như vậy sau CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Air, HOSE: AST), lại có một doanh nghiệp dịch vụ hàng không sắp lên HOSE trong năm 2018.
Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn thành lập từ tháng 4/2008 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng và hiện đã tăng vốn lên trên 571 tỷ đồng. Tháng 7/2017, Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn chào sàn UpCoM với giá khởi điểm 52.000 đồng/cp.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, SCS nhận được lượng đặt mua rất lớn nhưng chỉ có vỏn vẹn 200 cổ phiếu được khớp tại mức giá trần 72.800 đồng/cp. Hiện tại, cổ phiếu này đã tăng gần 260% lên mức 165.900 đồng/cp chốt phiên 26/03/2018 (tính theo giá điều chỉnh). Tuy nhiên khối lượng giao dịch khá thấp, từ đầu năm 2018 đến nay chủ yếu chỉ đạt vài ngàn cho tới vài chục ngàn cổ phiếu mỗi phiên.
Xét về quy mô, SCS có quy mô vượt trội so với hầu hết các doanh nghiệp trong mảng này (trừ ACV). Về lợi thế, theo SCS, Công ty là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ kho thu gom hàng lẻ hàng không xuất khẩu và kho ngoại quan chuyên dùng hàng tươi sống tại Việt Nam.
SCS độc quyền cung cấp dịch vụ kho thu gom hàng lẻ hàng không xuất khẩu và kho ngoại quan chuyên dung hàng tươi sống tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty còn sở hữu và khai thác nhà ga hàng hóa hàng không với tổng diện tích hơn 14 ha tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
FPTS từng cho biết, tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hóa hàng không là SCS và TCS (công ty con của Vietnam Airlines). TCS hiện đang hoạt động hết công suất và không còn quỹ đất để mở rộng, trong khi SCS chỉ mới hoạt động 80-85% công suất. Ngoài ra, TCS đã hoạt động từ năm 1997 nên máy móc thiết bị không hiện đại bằng SCS (SCS thành lập 2008 và hoạt động từ 2010).
Vì vậy, SCS hiện nay có vị thế khá cao tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, các mặt hàng vận chuyển hàng không đều là các mặt hàng có giá trị cao như smarphone, laptop… nên SCS dễ dàng tăng phí dịch vụ và có khả năng thương lượng cao.
Tại thời điểm 31/12/2017, Công ty có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 66,8% vốn điều lệ bao gồm: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sở hữu 13,12% (7,5 triệu cp), CTCP Gemadept (GMD) sở hữu 32,25% (18,4 triệu cp), Công ty TNHH MTV Sửa chữa máy bay 41 sở hữu 12,6% (7,2 triệu cp) và CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sài Gòn Hàng không sở hữu 8,83% (5 triệu cp).
Tuy nhiên, đầu tháng 1/2018, Thương mại Dịch vụ Đầu tư Sài Gòn Hàng không đã chuyển nhượng bớt cổ phiếu SCS, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 4% và không còn là cổ đông lớn của Công ty.
Năm 2017, lợi nhuận cả trước và sau thuế của SCS tăng trưởng tốt với mức tăng 40% lên lần lượt 385 tỷ và 346 tỷ đồng. Theo giải trình, mức tăng trưởng tự nhiên của hàng hóa qua sân bay Tân Sơn Nhất hơn 15% góp phần đáng kể vào việc tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, Công ty đã ký Hợp đồng phục vụ thêm 1 hãng hàng không mới là SF Airlines và tất cả các hợp đồng với các hãng hàng không hết hạn trong năm 2017 đều được tái ký. Ngoài ra, chi phí được kiểm soát chặt và việc sử dụng nguồn nhân công thuê ngoài, SCS có thể điều chỉnh lực lượng nhân công phù hợp với lượng hàng hóa tăng trưởng.
Ban lãnh đạo Công ty cũng cho biết, đến ngày 31/12/2017, SCS không có khoản nợ phải thu xấu nào, không có khoản tài sản xấu ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh và cũng không phát sinh khoản nợ phải trả xấu nào trong năm 2017.
Năm 2018, SCS đặt mục tiêu đạt 694 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế 446 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 21%.
Bên cạnh đó, công ty đặt mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng hàng hóa quốc tế khoảng 15-20%/năm, hàng hóa nội địa từ 10-12%/năm và duy trì tỷ lệ lấp đầy văn phòng trên 95%.
Kết thúc phiên giao dịch 26/3, cổ phiếu SCS dừng ở mức 165.900 đồng/cp, tương ứng tăng gần 140% kể từ khi đăng ký giao dịch trên UpCoM. Vốn hóa thị trường vượt 8.200 tỷ đồng.