Đây là hoạt động thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017-2020. Dự kiến, Vinachem sẽ trình Bộ Công Thương ban hành các quyết định CPH trong quý I và quý II/2018.
Nhiều doanh nghiệp đầu ngành
Theo kế hoạch, Vinachem sẽ tiến hành CPH trong quý I và II/2018 đối với công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Vinaapaco), Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam; Công ty mẹ – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Về công tác thái vốn tại các DN thành viên, Vinachem sẽ nắm giữ vốn từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 7 DN và nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 9 DN. Đây hầu hết là các DN đã thực hiện niêm yết và giao dịch cổ phần trên TTCK từ lâu.
Trong số 9 DN mà Vinachem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, có những thương hiệu lớn trong ngành hoạt động, như: CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco), CTCP Bột giặt LIX, CTCP Bột giặt NET…
Các DN này có kết quả sản xuất kinh doanh khá hiệu quả so với các doanh nghiệp còn lại và nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.
Bên cạnh đó, Vinachem sẽ bán bớt một phần vốn tại CTCP Kỹ nghệ Que hàn, CTCP Hóa chất Việt Trì, CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, CTCP Phân lân Nung chảy Văn Điển, CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam, CTCP cao su Đà Nẵng, CTCP Cao su Sao vàng, CTCP phân bón Bình Điền, CTCP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, CTCP Phân bón Miền Nam…
Về phương án thoái hết vốn khỏi các DN không cần nắm giữ, Vinachem sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 15 DN với 4 DN đã niêm yết bao gồm: CTCP Xà phòng Hà Nội (mã: XPH); CTCP Ắc quy Tia Sáng (mã: TSB); CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (mã: DGC); CTCP Xuất nhập khẩu hóa chất miền Nam (mã: CSV).
Số còn lại đều chưa được niêm yết trên sàn hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM gồm: CTCP Pin Ắc quy Vĩnh Phú, công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam, công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina, CTCP Sơn Tổng hợp Hà Nội, CTCP Pin Hà Nội, CTCP Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất, CTCP Cảng đạm Ninh Bình, CCTCP Công nghiệp Hóa chất Tây Ninh, CTCP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng, CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ, CTCP Thiết kế Công nghiệp Hóa chất.
Hầu hết các công ty con thuộc tập đoàn đều là những DN có bề dày lịch sử, nắm giữ vị thế DN đầu ngành. Trên sàn chứng khoán, những cổ phiếu “họ” Vinachem luôn được giới đầu tư ưa thích do lịch sử trả cổ tức cao và hoạt động kinh doanh ổn định.
Không mạnh như vị thế
Vinachem là DN đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Trong đó, công ty mẹ là DN 100% vốn nhà nước, với tổng tài sản lên tới hơn 57.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị thành viên Vinachem đang lỗ lớn và cũng đang làm tập đoàn ngập trong nợ nần. Hiện 4 dự án lỗ lớn nhất của Vinachem là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP – Vinachem và DAP 2 – Lào Cai đang có nợ gốc lên tới 8.588 tỷ đồng.
Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn đối với 4 đơn vị này theo quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 sau khi các doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Ngoài số nợ lớn của 4 công ty này, nhiều công ty khác của Vinachem cũng có số nợ rất lớn. Có thể kể đến như: CTCP Pin Ắc quy miền Nam nợ hơn 920 tỷ đồng, công ty Phân bón miền Nam vay nợ 413 tỷ đồng, công ty Công nghiệp cao su Miền Nam là 1.360 tỷ đồng, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nợ 696,5 tỷ đồng.
Cụ thể, là DN đầu ngành sản xuất pin và ắc quy tại thị trường Việt Nam, có tới 45% thị phần, nhưng hoạt động kinh doanh của Pinaco lại có dấu hiệu giảm sút.
Năm 2017, doanh thu thuần Pinanco đạt 2.613 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2016. Tuy nhiên, cũng do chi phí giá vốn tăng cao; chi phí tài chính tăng mạnh do lỗ tỷ giá khiến lãi trước thuế chỉ đạt 165 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 280 tỷ đồng năm 2016.
Kết quả kinh doanh giảm sút cũng góp phần đẩy giá cổ phiếu PAC trên thị trường sụt giảm mạnh sau đợt sóng tăng trưởng kéo dài từ năm 2013. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3, cổ phiếu PAC giao dịch tại mức giá 44.200 đồng, thanh khoản trung bình đạt gần 36.000 đơn vị.
Xà phòng Hà Nội và Ắc quy Tia Sáng cũng là một trong những DN đang có hoạt động kinh doanh không mấy hiệu quả. Chỉ tính riêng quý IV/2017, xà phòng Hà Nội, ghi nhận khoản lỗ 989 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng, cả năm 2017, XPH lãi 28,4 triệu đồng.
Hiện cổ phiếu XPH đang giao dịch tại quanh mức giá từ 6.800 đồng/cp – 7.100 đồng/cp, thanh khoản khiêm tốn, thậm chí có phiên giao dịch không có thanh khoản.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu TSB của Ắc quy Tia Sáng gần như không có giao dịch, chỉ có 2 phiên tăng trần, 1 phiên tăng nhẹ, hiện đang ở mức giá 8.800 đồng/CP, EPS khiêm tốn đạt 520 đồng/CP. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của TSB đạt 4 tỷ đồng, giảm 69,22% so với cùng kỳ đạt 5,79 tỷ đồng.
Kế hoạch bán vốn nắm giữ của Vinachem sẽ được triển khai trong “tình trạng” các DN đang “ốm yếu” về kết quả hoạt động và giá trị cổ phiếu.
“Mỏ vàng” DN “họ” Vinachem, do thế rất hứa hẹn ở giá trị tài sản cứng – những bất động sản các DN này đang quan lý và ở tài sản mềm – giá trị thị phần, thương hiệu mà các DN này đang sở hữu.