Việc các cổ phiếu thủy sản đồng loạt tăng trần trong tuần trước là biểu hiện đầu tiên của hiệu ứng hưởng lợi. Tỷ giá tăng giúp lợi nhuận DN xuất khẩu nói chung có cơ hội cải thiện.
Ngành hàng dệt may xuất khẩu, đại diện CTCP Ðầu tư phát triển TDT (DN mới niêm yết trên HNX) và CTCP Dệt may – Ðầu tư – Thương mại Thành Công (TCM, niêm yết trên HOSE) đều cho rằng, cuộc chiến thương mại là cơ hội để dịch chuyển một phần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế cao khi xuất khẩu vào Mỹ.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cũng từng chia sẻ, cho dù tăng thuế thì thị trường Mỹ vẫn phải tiêu thụ thép. Khi sản xuất trong nước chưa đáp kịp nhu cầu trong nước, thì nhu cầu nhập khẩu vẫn còn và nó sẽ dịch chuyển từ thị trường này sang thị trường khác. Ðược biết, trong tháng 6 vừa qua, Hòa Phát đã ký hợp đồng xuất 10.000 tấn thép dài sang Mỹ, giao hàng vào tháng 7.
Trong ngành tôn thép, với việc hàng xuất khẩu bị trả về vì không đáp ứng yêu cầu về xuất xứ đã thúc đẩy các DN nhập khẩu thép cán nguội từ Ấn Ðộ hay Indonesia thay cho hàng Trung Quốc. Việt Nam vẫn nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu thép cán nóng. Vì thế, DN sản xuất thép cán nóng trong nước đầu tiên là Formosa và nhà sản xuất tiếp theo sẽ được hưởng lợi.
Với các DN niêm yết lớn trong các ngành như bất động sản, ngân hàng, bán lẻ phân phối hàng tiêu dùng…, dường như ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại là không đáng kể. Khả năng tăng trưởng của các DN này không suy giảm thì TTCK không có lý do để suy giảm. Ngành bất động sản có thể được hưởng lợi do xu hướng người dân cơ cấu lại tài sản để giảm ảnh hưởng của việc VND mất giá so với USD.
TTCK Việt Nam trải qua giai đoạn thăng hoa những tháng đầu năm là do nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng vượt bậc của nhiều DN, nhất là các DN đầu ngành.
Dưới áp lực động thái bán ròng của khối ngoại và ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, thị trường lao dốc trở về mặt bằng giá thấp, khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý lo ngại và đứng ngoài.
Nhưng thay vì sợ hãi, nhà đầu tư nên có phân tích kỹ lưỡng về DN mình dự định đầu tư. Sản phẩm, dịch vụ của DN có khả năng cạnh tranh vượt trội hay không? Có dễ dàng bị thay thế bởi sản phẩm, dịch vụ tương tự là hàng nhập khẩu hay không? Các phân tích này là chỉ dấu quan trọng để nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ở mặt bằng giá thấp hiện nay.
Với nguyên lý thuế chỉ làm giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm, hoặc làm cho người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm với chi phí đắt hơn chứ không thể xóa bỏ nhu cầu tiêu dùng, thì thực tế là, cuộc chiến thương mại chỉ làm hạn chế tăng trưởng ở các nền kinh tế bị đánh thuế, đem lại cơ hội phát triển cho DN ở nước thực hiện chính sách bảo hộ hàng hóa và sau đó là mở rộng thị trường cho DN ở các nền kinh tế không bị đánh thuế.
Trên nguyên lý này, các DN sẽ dễ nhìn thấy cơ hội hay rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Yếu tố quan trọng còn lại sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước để DN yên tâm đầu tư phát triển, đón bắt cơ hội mới từ bên ngoài.
Ðứng trước thực tế cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nếu vững từ nội tâm sẽ thấy khó khăn chỉ là ngắn hạn. Nếu biết cách tận dụng cơ hội, DN và TTCK Việt Nam sẽ có thêm nhiều dư địa tăng trưởng trên con đường dài.