Hai tuần gần đây, một loạt công ty trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) bị nhắc nhở về nghĩa vụ công bố thông tin, có doanh nghiệp bị nhắc nhở, giải trình lần 2 trong thời gian ngắn. Sau “xì căng đan” DVD, cơ quan quản lý đang phát đi thông điệp mạnh tay hơn với các chậm trễ, sai phạm trong công tác công bố thông tin từ doanh nghiệp niêm yết. Động thái này được nhiều thành viên thị trường đánh giá tích cực, nhưng đi kèm không ít băn khoăn.
Nhìn từ hai sàn…
Vừa bật laptop, ngó thấy thông tin cổ phiếu HQC bị cảnh cáo trên toàn thị trường, nhà đầu tư Tr.C.Đức (CTCK TP. HCM) lắc đầu. nhà đầu tư Đức nói rằng, có thâm niên bám sàn 7 năm, nhưng với thông tin mà HOSE công bố, anh vẫn không hiểu lý do thật sự cổ phiếu này bị cảnh cáo là gì. Vừa nói, anh vừa “click” chuột vào một thư mục khác trên màn hình máy tính xách tay, chép miệng: “Không có gì nghiêm trọng, chỉ là chậm công bố báo cáo tài chính. Chuyện thường ngày ở… doanh nghiệp!”.
Anh Đức cho hay, từ lâu anh đã lưu luôn Thông tư 09/2010/TT-BTC (quy định về công bố thông tin) ra màn hình máy tính để tiện tra cứu. “Gần đây, tuần nào cũng có doanh nghiệp bị cảnh cáo, xử phạt bắt nguồn từ văn bản này. Lý do công bố toàn theo Khoản x, Điều y của Thông tư. Tôi gắn bó với thị trường lâu năm cũng mù tịt. Muốn rõ chỉ có nước tự tra cứu thông tin. Rút kinh nghiệm, sao lưu ra một file riêng. Sao cơ quan quản lý không dẫn giải trực tiếp nội dung các điều, khoản để nhà đầu tư dễ đọc?”, anh Đức nói.
“Sở giám sát doanh nghiệp niêm yết chúng tôi, vậy có ai giám sát công tác công bố thông tin của Sở?”, người công bố thông tin của một công ty niêm yết đặt câu hỏi. Trước đó, công ty này đã từng bị HOSE nhắc nhở về chuyện chậm công bố báo cáo thường niên 2010.
Trên đây chỉ là một vài “phản biện” đơn lẻ của một bộ phận thành viên thị trường trước động thái HOSE tăng cường công tác giám sát và mạnh tay hơn với sai phạm trong công tác công bố thông tin trên TTCK.
Nâng cao tính chủ động
Ông Lê Văn Thành, sáng lập viên CTCP Đào tạo đầu tư FST nhận xét: “Quả bom” DVD nổ tung, khiến các cơ quan quản lý thị trường không thể chần chừ, buộc phải mạnh tay hơn trong việc xử lý các sai phạm công bố thông tin. Nhưng nỗ lực này đối diện một số thách thức lớn.
Thứ nhất, theo ông Thành, đó là sự bất hợp tác của doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản. Cơ quan quản lý nên lường trước tình huống này và có điều chỉnh về quy định pháp lý phù hợp với thực tế phát sinh.
Thứ hai là trách nhiệm quản lý trên lý thuyết và tính chủ động theo diễn biến thực tế. Chẳng hạn, với DVD, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tuyên bố đã làm hết trách nhiệm trong vụ 70 tỷ đồng (nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng sau đó đợt phát hành bị hủy bỏ) là chưa thỏa đáng. UBCK buộc DVD phải trả lại tiền cho nhà đầu tư, về lý thuyết, UBCK hoàn thành nghĩa vụ, nhưng doanh nghiệp làm ngơ thì thực tế UBCK cần theo sát diễn biến tiếp theo của vụ việc để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho nhà đầu tư.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, chưa xét về mặt cơ chế, ngay cả nhân lực của cơ quan quản lý thị trường hiện nay cũng khó có thể bao quát hết thực tế phức tạp phát sinh. Vì vậy, thay vì giám sát thụ động trông chờ doanh nghiệp tự giác như hiện nay, cơ quan quản lý thị trường cần nâng cao tính chủ động bằng cách ứng xử nhanh với các phản hồi từ các thành viên thị trường như thiết lập đường dây nóng để xử lý các tình huống thời sự. Bên cạnh đó, thực tế vận động của thị trường cho thấy, cần có điều chỉnh phù hợp trong khuôn khổ các quy định quản lý thị trường và cần sự phối hợp hành động giữa các cơ quan quản lý thị trường, giữa UBCK với các cơ quan hành pháp, lập pháp để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.