Chẳng hạn, theo nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, thực trạng tài chính của AVG là rất xấu, từ khi thành lập đến 31-3-2015 lỗ lũy kế lên đến 45% vốn điều lệ, tức lỗ hơn 1.632 tỉ đồng; loại trừ nợ phải trả thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG là 1.983 tỉ đồng. Chỉ cần nhìn vào bức tranh tài chính này thì không thể nào chấp nhận giá trị AVG do bên tư vấn đưa ra là 16.565 tỉ đồng để MobiFone bỏ ra 8.889 tỉ đồng mua 95% cổ phần AVG một cách dễ dãi như thế được.
Chưa hết, MobiFone mua 95% AVG đâu phải mua hoạt động chính là lĩnh vực dịch vụ truyền hình đâu? Bởi trước đó AVG đã đầu tư đến 73,3% vốn điều lệ vào các công ty không liên quan gì đến truyền hình như công ty giống tằm để làm bất động sản, công ty khai thác mỏ quặng bauxite nhưng chưa có giấy phép khai mỏ. Các chuyên gia về truyền hình ắt sẽ phản đối kịch liệt nếu biết thông tin này.
MobiFone là doanh nghiệp nhà nước, có trách nhiệm công khai thông tin, nhất là các thương vụ lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn nhà nước. Thế nhưng mọi nỗ lực làm rõ bản chất thương vụ MobiFone – AVG trước đây đều như húc vào hòn đá tảng. Hóa ra chính Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại MobiFone, đã đưa giao dịch này vào danh mục mật, một quyết định bị Thanh tra Chính phủ kết luận là không đúng với quy chế công bố thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước bởi, như Thanh tra Chính phủ kết luận, việc MobiFone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước. Ngay cả khi Thanh tra Chính phủ đề nghị bộ này giải mật họ cũng không thực hiện. Thử hỏi trong bối cảnh đó, làm sao công luận hay báo chí tiếp cận được thông tin để kịp thời đưa ra các cảnh báo mang tính giám sát cho được.
Nhìn lại vụ việc này, có lẽ bây giờ chúng ta đều thấy tác hại của việc cơ quan nhà nước lạm dụng con dấu mật để che giấu các sai lầm, gây thiệt hại cho Nhà nước nhưng làm sao để ngăn cản sự lạm quyền này?
Với doanh nghiệp nhà nước, cần buộc tuân thủ quy định công bố thông tin và có sự giám sát để kịp thời xử lý vi phạm công bố thông tin. Với cơ quan cỡ cấp bộ thì khó hơn nhiều nhưng chúng ta đã có Luật Tiếp cận thông tin do Quốc hội ban hành ngày 6-4-2016. Công dân, hay báo chí, có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và một khi từ chối phải nêu rõ lý do. Ngay trong luật này, “thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp” là một trong những loại thông tin phải được công khai rộng rãi (điều 17). Nếu người dân không thỏa mãn với cách trả lời từ chối cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước, họ có quyền kiện ra tòa hay khiếu nại lên Quốc hội, nơi theo luật, có quyền “giám sát tối cao việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân”.
Chỉ có dựa vào luật pháp và nâng cao ý thức của người dân thì Nhà nước mới mong trong sạch hóa bộ máy của chính mình, không để bất kỳ bộ phận nào trong bộ máy lạm quyền, qua mặt luật pháp bởi suy cho cùng, thiệt hại do sự lạm quyền này cuối cùng cũng do Nhà nước và người dân gánh chịu.