Miếng bánh phình to nhưng ngày càng cô đặc
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thanh khoản trên thị trường cổ phiếu trong những tháng gần đây có sự sụt giảm. Tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm vẫn cao, đạt hơn 8.000 tỷ đồng/phiên, tăng 60% so với bình quân cả năm 2017.
Tính đến cuối tháng 6/2018 vốn hóa thị trường đạt gần 3,89 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2017 và tương đương 77,7% GDP.
Thị trường trái phiếu có quy mô niêm yết đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2017 và tương đương 21% GDP. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên, tăng 19% so với bình quân năm 2017.
Quy mô và giá trị giao dịch trên thị trường vốn.
Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn, với tốc độ tăng trưởng khối lượng hợp đồng bình quân đạt 48%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 45.000 hợp đồng/phiên. Tính đến nay đã có hơn 35 nghìn tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2017.
Những con số trên cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù có biến động nhưng vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng nhất định. Với quy mô và giá trị giao dịch trên các thị trường vốn ngày càng tăng, cho thấy quy mô lợi nhuận của ngành chứng khoán đang ngày càng phình to.
Dẫu vậy, miếng bánh thị phần trong ngành này lại đang cô đặc với lợi thế nghiêng hẳn về nhóm 10 công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần lớn nhất.
Trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE), top 10 CTCK hàng đầu đã chiếm đến 72,17% thị phần môi giới cổ phiếu nửa đầu năm 2018, tiếp tục gia tăng so với con số gần 70% của cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần top 10 ngày càng lớn.
Đáng chú ý là top 4 công ty hàng đầu có thị phần gia tăng rất mạnh, điển hình như chứng khoán SSI đã gia tăng từ mức 14,85% cùng kỳ lên 20,91% trong 6 tháng đầu năm nay hay như chứng khoán HSC cũng tăng từ 9,87% lên 11,73%.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) với tổng thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết của top 10 đã chiếm đến 69,39%. Các công ty còn lại phân chia nhau 30,61% thị phần.
Phần bánh nhỏ cũng không dễ nuốt
Báo cáo về hoạt động quản lý và tái cấu trúc các CTCK 6 tháng đầu năm, UBCKNN cho biết đã chấm dứt hoạt động 1 CTCK, đang thực hiện thủ tục giải thể cho 1 CTCK, và thực hiện sáp nhập 2 CTCK, đình chỉ nghiệp vụ môi giới 1 CTCK. Hiện thị trường còn 77 CTCK đang hoạt động bình thường, giảm 27% tổng số CTCK.
Trong khi các công ty chứng khoán hàng đầu như SSI, HCM, VCI vẫn báo lãi tăng trưởng ấn tượng thì việc 67 công ty còn lại phải tranh giành miếng bánh thị phần chưa đến 30% cho thấy sự cạnh tranh và khó khăn rất lớn của các CTCK thị phần nhỏ.
Điển hình như Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) báo lỗ 179 triệu trong quý II vừa qua do doanh thu môi giới giảm phân nửa so với cùng kỳ. Hiện công ty vẫn còn lỗ lũy kế 142 tỷ đồng.
Hay chứng khoán Đại Việt (DVSC) báo cáo doanh thu suy giảm và lỗ sau thuế quý II là 2,6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, DVSC lãi chỉ khoảng 460 triệu đồng, giảm 97,5%. Công ty cũng còn lỗ lũy kế hơn 71 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính công ty mẹ Chứng khoán ACB (ACBS) cho thấy khoản lỗ hơn 17 tỷ đồng quý II/2018, trong khi cùng kỳ, công ty lãi sau thuế gần 52 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng vẫn có lãi 46,5 tỷ đồng, nhưng giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chứng khoán có quy mô ngày càng lớn, nhiều sản phẩm mới ra đời mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các CTCK. Tuy nhiên, hạn chế về quy mô vốn, ít tên tuổi khiến không ít doanh nghiệp có thị phần nhỏ ngày càng lâm vào khó khăn.
Để tạo bước cạnh tranh lớn hơn, nhiều CTCK đã không ngừng tái cấu trúc, huy động vốn khủng để tham gia sâu rộng hơn vào thị trường. Đây có thể chiến lược tốt để các công ty chứng khoán nhỏ tăng lợi thế cạnh tranh và phân chia lại miếng bánh thị phần trong thời gian tới.
Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) vừa tăng vốn lên nghìn tỷ để tham gia nhiều sản phẩm tài chính khác nhau, trong đó có covered warrant.
Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) muốn nâng vốn từ 340 tỷ lên 1.500 tỷ để tham gia vào nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh và một số nghiệp vụ chứng khoán khác.
Chứng khoán Toàn Cầu (VinaGlobal) mặc dù thua lỗ trong quý II/2018 và còn lỗ lũy kế nhưng cũng có kế hoạch tăng vốn khủng từ 35 tỷ lên 1.035 tỷ đồng. Hay Chứng khoán Everest (EVS) đang có kế hoạch nâng vốn từ 600 tỷ lên 1.000 tỷ đồng trong năm nay và tăng tiếp lên 3.000 tỷ trong năm 2020.