Vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 22/2018/TT-BCT hướng dẫn về đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018, có hiệu lực kể từ ngày 21/8/2018 đến ngày 31/12/2018. Theo đó, hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2018 là 94.000 tấn.
Trước đó, theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa các nước Asean (Atiga), thuế quan cho mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước Asean sẽ từ mức 5% giảm về 0% kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các doanh nghiệp (DN) ngành mía đường trong nước đang gặp khó khăn từ cả việc dư cung của thị trường thế giới và thực trạng sản xuất manh mún, công nghệ lạc hậu của chính các DN trong ngành.
Vì vậy, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Công thương về thời hạn thực hiện Atiga, tiếp tục áp dụng quy định về hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường đến hết năm 2019. Việc thực hiện cam kết theo hiệp định này sẽ bắt đầu từ năm 2020 và nhập khẩu đường theo hạn ngạch vẫn đang được tiến hành. Chính vì thế, lượng đường nhập 94.000 tấn sẽ tiếp tục tạo áp lực lên vấn đề giải quyết hàng tồn kho của các DN sản xuất và chế biến đường trong nước.
Giám đốc một DN đường tại Phú Yên cho biết, trước tình hình thực tế, cho dù các DN đã chấp nhận bán giá thấp ngang bằng, thậm chí dưới mức giá vốn nhưng lượng đường tồn kho trong 6 tháng đầu năm nay của toàn ngành đã lên tới 670.000 tấn.
Giá đường trong nước liên tục giảm, hiện ở mức 11.000 đồng/kg, trong khi đó giá đường Thái Lan nhập lậu luôn thấp hơn 500đ – 1.000đ, chỉ dao động quanh mức 9.000đ – 10.000đ/kg, khiến cho đường sản xuất nội địa rất khó tiêu thụ. Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng này, chắc chắn nhiều DN sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngưng sản xuất.
Cùng với đó, hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành mía đường còn rời rạc, chưa hình thành được hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ để phát triển bền vững. Các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường hiệu quả chưa cao, hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ khi hội nhập chưa được hình thành.
Nếu theo số lượng ước tính của Bộ Công thương, từ đầu năm tới nay có khoảng 500.000 tấn đường nhập lậu, cộng với lượng đường nhập khẩu chính ngạch, đường tồn kho chưa giải quyết hết, thì những “gọng kìm” này sẽ còn bủa vây DN và khi chưa có giải pháp giải quyết triệt để, DN mía đường đã khó sẽ càng thêm khó.
Theo VSSA, ngoài những khó khăn từ bên ngoài, cần phải nhìn nhận rõ, hiện nay các DN ngành mía đường phát triển chưa căn cơ, bền vững, nhất là vùng nguyên liệu trồng mía luôn trong tình trạng trồi sụt, bấp bênh, chưa có sự gắn kết bao tiêu sản phẩm chặt chẽ với DN tiêu thụ, sản xuất chế biến. Hiện tại, năng lực cạnh tranh của ngành mía đường còn thấp.
Cụ thể, năng suất, chất lượng mía bình quân mới đạt 61,33 tấn/ha, năng suất đường bình quân đạt 5,64 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, dẫn đến giá thành mía và giá thành đường của Việt Nam vẫn cao hơn bình quân thế giới và khu vực.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho rằng, để phát triển bền vững và chủ động trong sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, các DN ngành mía đường cần chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Đồng thời, các công ty mía đường cần liên kết xây dựng các bạn hàng chiến lược, xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa và tăng cường xúc tiến thương mại. Mặt khác, cần chia sẻ lợi ích giữa sản xuất với tiêu dùng, lưu thông phân phối, nhằm giảm chi phí trung gian, giữ giá cả hợp lý.