Trên các dữ liệu và điều chỉnh chi tiết theo quyết định của NHNN, MBKE phân tích:
Thứ nhất, NHNN sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng là công cụ chính sách tiền tệ chính để kiểm soát các mục tiêu kinh tế (bao gồm cả tăng trưởng GDP, lạm phát). Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 đến cho đến nay vẫn được duy trì ở mức 14%. Do đó, việc cắt giảm lãi suất điều hành vừa qua của NHNN không mang ý nghĩa là nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thứ hai, tương tự như việc cắt giảm lãi suất điều vào tháng 9 năm 2019, việc cắt giảm lãi suất lần này của NHNN cũng có mục tiêu hỗ trợ các ngân hàng thương mại quản lý chi phí vốn, qua đó tiếp tục hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. “Chúng tôi cho rằng đây là mục tiêu chính của động thái hạ lãi suất lần này“, MBKE khẳng định.
Với việc cắt giảm lãi suất chính sách và giới hạn lãi suất tiền gửi, các ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng lớn có mạng lưới huy động tiền gửi mạnh) có thể có dư địa để quản lý và giảm chi phí vốn của mình (thông qua các khoản vay trên thị trường mở OMO, giảm áp lực suy giảm biên lãi ròng (NIM) do lãi suất cho vay trung bình giảm.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã xem xét và bắt đầu giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với mức cắt giảm lãi suất cho vay trung bình khoảng 0,5%-1,5%. DĐDN đã phản ánh điều này trong bài viết về việc trường hợp các ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay ngay sau loạt quyết định hạ lãi suất điều hành mà NHNN đưa ra (Xem chi tiết TẠI ĐÂY). Trong đó, bên cạnh những ngân hàng như OCB, HDBank triển khai điều chỉnh lãi suất huy động với các khoản tiền gửi tiết kiệm tại quầy dưới 6 tháng, và có chính sách lãi suất cộng thêm cho tiết kiệm online ở mức hấp dẫn, còn có các chương trình hỗ trợ cho vay SME, khách hàng cá nhân… Cùng với đó, trước ngày 16/3, nhiều ngân hàng như VPBank đã giảm lãi vay tới 1,5% cho các khách hàng SME; VIB công bố đã giảm lãi vay đối với khoảng 2.500 tỷ đồng trên tổng dư nợ của 600 khách hàng với kỳ hạn vay ngắn hạn; Sacombank triển khai giảm lãi vay 2%/ năm cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân… Việc các ngân hàng hạ lãi suất huy động, thậm chí ở các kỳ hạn thỏa thuận trên 12 tháng, được cho là linh hoạt nhằm giảm chi phí vốn đầu vào trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và tín dụng tăng trưởng chậm.
Thứ ba, MBKE Việt Nam cho rằng về mặt cơ cấu vốn của các ngân hàng (các khoản vay trên OMO chiếm khoảng 5% trung bình toàn ngành và khoảng 10% tổng nguồn vốn của các ngân hàng lớn), ước tính tác động của việc giảm lãi suất lần này của NHNN không lớn đối với các Ngân hàng Thương mại (NHTM).
Theo Luật sư, TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, quyết định điều chỉnh lãi suất lần này của NHNN là nhanh chóng, phù hợp và có ý nghĩa hỗ trợ hệ thống ngân hàng cùng doanh nghiệp để có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ hơn.
“Trong 2 tháng đầu năm nay, lạm phát bình quân tăng 5,91%, là cao hơn mức dự trù 4% của cả năm. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành ở mức độ như hiện tại là phù hợp với mức độ lạm phát, tỷ giá hiện nay cũng như các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác”, TS Bùi Quang Tín nói.
Dù vậy, ông Tín cũng cho rằng quyết định sẽ có độ trễ về sức tác động và mang tính trung, dài hạn. Cụ thể, giảm lãi suất điều hành chỉ tác động tới các khoản vay mới. Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay yếu, do kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp có tâm lý ngồi im chờ cơ hội, đặc biệt là chờ gói kích thích của Chính phủ, chờ dịch bệnh kiểm soát xong… Đối với các hợp đồng vay cũ, doanh nghiệp khó lòng được ngân hàng hỗ trợ nếu không chứng minh được bị thiệt hại nặng nề bởi COVID-19.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị với DĐDN mong được các ngân hàng tăng tốc độ xem xét để miễn, giảm lãi vay trên các khoản dư nợ đang có, giúp doanh nghiệp giảm áp lực hiện hữu, nhẹ gánh phí tài chính để cầm cự cho qua mùa dịch.
Lê Mỹ