MB Capital quản lý những gì?
Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư MB (MB Capital) được thành lập năm 2006 và là một trong những công ty quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam. Hiện MB Capital có vốn điều lệ 323 tỷ đồng, trong đó MBBank là cổ đông lớn nhất chiếm 91% cổ phần.
Năm 2010, MB Capital huy động vốn nước ngoài để lập 2 quỹ đầu tư vào Việt Nam. Năm 2013, MB Capital tiếp tục thành lập Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital Việt Nam. Năm 2014, Công ty đã thành lập Quỹ đầu tư giá trị MB Capital.
MB Capital hiện quản lý 3 quỹ thành viên khi Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital Việt Nam (MBBF) thông báo đã giải thể. MB Capital sẽ thanh lý các tài sản để chuyển trả về cho các nhà đầu tư trong 2 tuần kể từ 30/6.
Ba quỹ còn hoạt động bao gồm Quỹ đầu tư giá trị MB Capital (MBVF), Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) và Quỹ Đầu tư Tăng trưởng MBCapital (MBGF).
Nhóm MB Capital có tỷ trọng tiền mặt rất cao
Thị trường chứng khoán thời gian qua đã chứng kiến sự điều chỉnh lớn và hiện giao dịch quanh vùng 900 điểm. Tính đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm đến 25% kể từ đỉnh (hơn 1.200 điểm trong tháng 4) và 8,6% kể từ đầu năm.
Với mức giảm lớn của thị trường chung, không chỉ nhiều nhà đầu tư cá nhân thua lỗ mà các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cũng gặp khó khăn. Đáng chú ý là các quỹ lớn trên thị trường như Pyn Elite, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) hay Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) có tỷ trọng cổ phiếu rất cao và do đó gần như mất đi thành quả kể từ đầu năm.
Trong khi hầu hết các quỹ ngoại có tỷ trọng tiền mặt chưa đến 4% thì MB Capital duy trì lượng tiền mặt khoảng 20% tổng tài sản.
Theo báo cáo tài chính quý I/2018, MB Capital ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 40 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ nhờ hoạt động đầu tư tài chính tăng mạnh. Đáng chú ý là vào 31/3, tổng lượng tiền và tương đương tiền của công ty quản lý quỹ này gần 90 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng tài sản. Các khoản đầu tư tài chính là 347 tỷ chiếm 76,7% tổng tài sản.
Đi vào chi tiết các quỹ thành viên, Quỹ đầu tư giá trị MB Capital (MBVF) cho biết danh mục của quỹ duy trì mức P/E forward bình quân là 8, chỉ tương đương 48% so với P/E bình quân toàn thị trường; lợi suất cổ tức ở mức 6%. Quỹ phân bổ tài sản vào các chứng khoán là 80,19%, còn tiền và tài sản khác là 19,8% tại thời điểm cuối tháng 6.
Có thể thấy từ khi thị trường giảm mạnh hồi tháng 4 thì giá trị tài sản ròng (NAV) của MBVF cũng sụt giảm theo xuống còn 684 tỷ đồng. Điều đáng nói là mặc dù giá trị chứng khoán giảm mạnh nhưng tỷ trọng chứng khoán trong danh mục của MBVF lại gia tăng cho thấy quỹ này đã tăng cường mua cổ phiếu trong giai đoạn thị trường giảm sốc.
Trong danh mục cuối tháng 6 của MBVF, khoản đầu tư lớn nhất của quỹ là Viwasupco (VCW) với tỷ trọng 6,98%NAV; tiếp theo là Cadivi (CAV- 6,34%), CTG (6,2%), GEX (6,16%). MBVF cũng nắm hơn 3 triệu cổ phiếu PV Power với tỷ trọng 5,59%.
Với Quỹ Đầu tư Tăng trưởng MBCapital (MBGF), đây là quỹ mới được thành lập từ 26/3 và quy mô nhỏ với NAV 66 tỷ đồng. Quỹ đang có tỷ trọng tiền mặt là 29% và danh mục chứng khoán phân bổ chủ yếu vào nhóm ngân hàng (14%NAV) và tiện ích (22%).
MBGF cũng đang tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục lên hơn 70% bất chấp thị trường đang điều đỉnh mạnh. Những cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục của MBGF như Dược phẩm Mekophar (MKP), ACB, VCW, HPG,…
Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) là liên doanh của MB Group và Japan Asia Group hồi 4/2010, trong đó số vốn huy động từ các nhà đầu tư Nhật Bản chiếm 49% vốn điều lệ. Chiến lược đầu tư của quỹ là tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tốc độ tăng trưởng cao hoặc được định giá thấp.
Thông tin giao dịch của quỹ này ít được công bố. Những giao dịch được biết đến gần nhất là đã tiến hành thoái vốn khỏi Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIG) hay Tổng Công ty Gas Petrolimex (PGC) hồi cuối năm 2017 và do đó quỹ tiền mặt của quỹ có lẽ vẫn được duy trì tốt trong giai đoạn điều chỉnh qua.