Giá trị cổ phiếu cầm cố gần 10 tỷ đồng.
Nhờ người quen lưu ký và mở tài khoản
Ngày 19/3/2011, cổ đông của CTCP Gạch ngói cao cấp (MCC) là ông N.T.Tùng đến ĐHCĐ thường niên nhưng không có tên trong danh sách tham dự, trong khi ông chưa bao giờ bán chứng khoán sở hữu. Ông Tùng đã liên hệ với Nguyễn Anh Huy là cán bộ của Công ty TNHH MTV Vật liệu và xây dựng Bình Dương, người làm nhiệm vụ quản lý sổ cổ đông cho MCC và CTCP Đá Núi Nhỏ (NNC) trước khi hai công ty này niêm yết trên sàn Hà Nội vào tháng 4 và tháng 6/2010.
Do tin tưởng nên ông Tùng và người nhà (cũng sở hữu cổ phiếu MCC) đã ký vào hồ sơ mở tài khoản để ông Huy thực hiện các thủ tục mở tài khoản lưu ký, giao dịch chứng khoán trước khi Công ty lên niêm yết. Sau đó, mỗi lần MCC chi trả cổ tức, ông Tùng và người nhà nhận cổ tức bằng tiền mặt từ ông Huy. Ông Tùng và người nhà được ông Huy xác nhận là có mượn cổ phiếu và sẽ trả lại vào tài khoản tại ORS.
Ngày 22/3/2011, vợ ông Tùng thay mặt chồng sở hữu 31.350 cổ phiếu MCC và em ông Tùng là bà T.T.L.Chi sở hữu 28.500 cổ phiếu MCC đến ORS Chi nhánh Tân Bình cùng ông Huy để nhận chứng khoán. Tại đây, họ đã nhận được đủ chứng khoán sở hữu trong tài khoản số 048C335556, tên chủ tài khoản là T.T.L.Chi và tài khoản số 048C335354, tên chủ tài khoản là N.T.Tùng. Môi giới L, người phụ trách tài khoản đã xác nhận bằng văn bản cho hai người này số cổ phần MCC của họ có trong tài khoản.
Đến tháng 4/2011, kiểm tra qua mạng Internet, ông Tùng và bà Chi vẫn thấy chứng khoán đủ trong tài khoản. Tuy nhiên, đến tháng 6 thì bà Chi không thể vào được tài khoản bằng mật khẩu được cấp. Bà Chi liên hệ với ORS để nhận mật khẩu mới và kiểm tra thì phát hiện toàn bộ chứng khoán MCC trong cả hai tài khoản đã biến mất.
Bà Chi và vợ ông Tùng đến làm việc tại trụ sở ORS. Tại đây, họ xem sao kê tài khoản từ ngày 1/3 đến 23/6/2011, trong đó thể hiện 28.500 cổ phiếu MCC của bà Chi đã được bán vào ngày 13/6/2011 và 31.350 cổ phiếu MCC của ông Tùng đã được bán vào ngày 2/6/2011.
Toàn bộ số tiền 477,6 triệu đồng bán chứng khoán của bà Chi và 625,4 triệu bán chứng khoán của ông Tùng đã được chuyển vào tài khoản của ORS theo giấy chuyển nhượng quyền bán chứng khoán do ông Huy ký.
Bà Chi và vợ ông Tùng được ORS cho xem hồ sơ mở tài khoản mang tên mình và giấy ủy quyền toàn bộ giao dịch liên quan đến tài khoản cho ông Huy. Tuy nhiên, các chữ ký trên hồ sơ này, bà Chi và ông Tùng khẳng định không do mình ký. Họ liên hệ với ông Huy, nhưng ông Huy đã biến mất.
Tin này về đến Công ty MCC và NNC thì mới phát hiện ra rằng, một số cổ đông khác cũng đã nhờ ông Huy lưu ký, mở tài khoản chứng khoán.
Ngày 4/7, bà Chi, ông Tùng và 7 cổ đông của NNC đã đến làm việc tại ORS đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ mở tài khoản và ủy quyền, các giấy tờ liên quan đến giao dịch của 9 tài khoản đứng tên 9 người. Tổng số chứng khoán các cổ đông này sở hữu là 250.000 cổ phiếu NNC và gần 60.000 cổ phiếu MCC của bà Chi và ông Tùng như đã nêu ở trên. Trong đó, chỉ có 25.000 cổ phiếu NNC của một cổ đông sáng lập chưa bị bán (nhưng đang bị ORS phong tỏa), còn lại toàn bộ cổ phiếu đều không còn trong các tài khoản.
Bà Chi cho biết, tại cuộc gặp mặt này, mọi người đều nhận được bộ hồ sơ bản sao hợp đồng mở tài khoản, giấy ủy quyền và các giấy tờ liên quan đến tài khoản chứng khoán đứng tên mình, nhưng đều khẳng định không do họ ký.
ORS nói gì?
Bà Vũ Hồng Hạnh, Tổng giám đốc ORS cho biết, ban đầu ông Huy là khách hàng VIP của Công ty khi chuyển toàn bộ cổ phiếu đứng tên ông Huy từ công ty chứng khoán khác về ORS. Từ tài khoản của mình, ông Huy thực hiện giao dịch thỏa thuận chuyển chứng khoán về các tài khoản đứng tên người khác, trong đó có tài khoản của bà Chi và ông Tùng.
Ngoài ra, tại ORS Chi nhánh Tân Bình, ông Huy còn cầm sổ cổ đông đến lưu ký mới và mở thêm 4 tài khoản mới. Vì có sổ cổ đông, có bản sao chứng minh nhân dân, tên tài khoản đúng với tên cổ đông, nên ORS đã thực hiện lưu ký chứng khoán NNC mới và mở tài khoản.
Theo bà Hạnh, các giao dịch ở những tài khoản này đều được thực hiện dựa trên hợp đồng ủy quyền toàn bộ cho ông Huy. Nếu các nhà đầu tư khẳng định, chữ ký tại hồ sơ là chữ ký giả, thì việc này phải chờ công an điều tra kết luận.
ORS đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc cho Công an tỉnh Bình Dương. Và môi giới L, người phụ trách khách hàng Huy đã chuyển công tác từ bộ phận môi giới đặt lệnh sang bộ phận hỗ trợ khách hàng để có thời gian phục vụ công tác điều tra.
Giả chữ ký làm giấy ủy quyền?
Ngày 1/6/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán, trong đó quy định, kể từ ngày 1/8/2011, văn bản ủy quyền của NĐT cho cá nhân khác thực hiện giao dịch thay cho mình phải có xác nhận việc ủy quyền của chính quyền địa phương hoặc công chứng; đồng thời, nhân viên CTCK không được phép nhận ủy quyền của NĐT.
Trong hợp đồng hỗ trợ thanh toán ngày 21/3/2011 giữa ORS Chi nhánh Tân Bình và ông Huy, có ghi ông Huy có 12 số tài khoản tại ORS. Theo quy định, mỗi nhà đầu tư được mở 1 tài khoản thì 11 tài khoản còn lại phải là tài khoản ủy quyền. Nhưng mục: “Theo giấy ủy quyền (nếu có) của cá nhân, tổ chức số… ngày…” trong hợp đồng lại để trống. Trong Điều 6 của Hợp đồng: về mức cảnh báo và xử lý cũng để trống tỷ lệ phần trăm quy định khi ORS được bán chứng khoán để đảm bảo thu hồi vốn hỗ trợ thanh toán.
Về phần mình, bà Chi và ông Tùng thừa nhận, nhờ ông Huy mở tài khoản và lưu ký chứng khoán là do lòng tin giữa những người làm cùng công ty với nhau. Mặt khác, họ không có nhu cầu mua bán chứng khoán nên đã không quan tâm đến tài khoản. Tuy nhiên, bà Chi và ông Tùng không ký giấy ủy quyền cho ông Huy giao dịch. Bà Chi cho biết, đáng lẽ ra bà yêu cầu ông Huy chuyển trả chứng khoán về CTCK khác nơi đang quản lý sổ cổ đông công ty khác mà bà có sở hữu cổ phần. Nhưng ông Huy đề nghị trả tại ORS vì ông Huy quen biết, đỡ mất thời gian giao dịch.
Hiện tại, các bên đang chờ kết luận của Công an Bình Dương về vụ việc. Nhưng có thể nói, vụ việc này thêm một lần nữa cho thấy rủi ro từ việc nhờ người khác mở tài khoản, uỷ quyền giao dịch. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này trong các số báo tới.