Qua thời USD giá rẻ
Trung tuần tháng 6/2018, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed đã quyết định tăng lãi suất liên ngân hàng thêm 0,25% lần thứ 2 trong năm 2018. Đây là lần thứ 7 tăng lãi suất của Fed kể từ ngày 17/12/2015 – thời điểm Mỹ chính thức chấm dứt lãi suất 0% duy trì suốt nhiều năm trước đó. Với mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm, lãi suất liên ngân hàng hiện được giao dịch trong khung mục tiêu 1,75% – 2%.
“Bình thường hóa” chính sách tiền tệ là cách mà Giáo sư Andreas Hauskrecht đến từ Đại học Indiana, Thành viên Nhóm sáng kiến Việt Nam nói về quá trình tăng lãi suất trở lại của nước Mỹ các năm qua. Giai đoạn năm 2008, lãi suất liên ngân hàng ở Mỹ lên tới khoảng 3-5%.
Mức lãi suất liên ngân hàng 0% cùng 3 gói nới lỏng định lượng (QE) là những công cụ mà nước Mỹ sử dụng để hồi phục từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời, cũng khiến dòng vốn quốc tế lớn rời Mỹ tìm nơi sinh lời tốt hơn.
Cũng theo Giáo sư Andreas Hauskrecht, việc đảo chiều tăng của lãi suất tại Mỹ gây áp lực tăng dần lãi suất, tác động đến tỷ giá khi đồng USD lên giá và khiến dòng vốn quốc tế chảy ra khỏi đa phần các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tức đảo ngược lại các xu hướng trước đây.
Đồng USD với vị thế là đồng tiền sử dụng trong 80 – 90% giao dịch thương mại toàn cầu và hầu hết các công cụ tài chính đã lên giá đáng kể. Tỷ giá giữa đồng bạc xanh với hầu hết các quốc gia đều đã thiết lập một mặt bằng mới.
Tỷ giá USD/VND ngày 13/8 đang giao dịch phổ biến ở mức 23.350 đồng/USD chiều bán ra, tăng 2,23% so với thời điểm Mỹ tăng lãi suất (13/6). Trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng 7,82% sau 2 tháng.
Tuy nhiên, nếu nhìn cả đoạn đường dài kể từ khi Fed chính thức chấm dứt chính sách lãi suất 0%, VND cũng mất giá không kém các đồng tiền của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Nhất là khi nhiều đồng tiền đã lên giá với USD hồi năm 2017, trong khi tỷ giá USD tại Việt Nam đi ngang ổn định.
Nội tệ nhiều quốc gia mất giá mạnh so với USD sau khi Fed nâng lãi suất lần đầu cuối năm 2015
Thời gian qua, thị trường ghi nhận sự tương quan đáng chú ý giữa diễn biến đồng nhân dân tệ và tỷ giá USD/VND. Giá USD có khoảng thời gian dài “nương” theo diễn biến nóng/lạnh của tỷ giá USD/CNY.
Tuy nhiên, theo bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài gòn (SSI), việc chạy theo CNY để điều chỉnh đồng nội tệ của Việt Nam là không cần thiết, nhất là trong bối cảnh nợ nước ngoài của Việt Nam còn rất cao. Nhìn xa hơn về quá khứ, nội tệ của Việt Nam đã mất giá 10,53% từ cuối năm 2013, trong khi đồng nhân dân tệ mất giá 13,9%.
Diễn biến tỷ giá USD/VND và USD/CNY trong 4 năm qua
Nội lực của Việt Nam có đủ chống đỡ?
Xu hướng tăng lãi suất của Fed, đồng nhân dân tệ mất giá, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đà tăng trưởng có phần chững lại của Trung Quốc hay hiện tượng lạm phát phi mã, “bốc hơi” giá trị đồng tiền của một số quốc gia mà gần đây nhất là Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt ra bài toán “khó” trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Theo SSI Retail Research, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN hiện có 4 công cụ chính bao gồm bán ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối; điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trung tâm; kiểm soát cung cầu VND thông qua thị trường mở; và điều chỉnh lãi suất VND.
Một lượng lớn USD đã được NHNN mua vào trong năm trước, cũng là một trong các nguyên nhân giúp tỷ giá USD/VND không giảm trong khi đồng tiền nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc lên giá. Dự trữ ngoại hối nhờ đó có thời điểm đạt mức cao kỷ lục vượt 64 tỷ USD.
Cũng chính nguồn dự trữ này đã được NHNN sử dụng để bán ngoại tệ tại mức tỷ giá can thiệp thấp, ghìm lại đà tăng “nóng ” của tỷ giá trong giai đoạn ngày 3/7 – 23/7. Ước tính khoảng 2 tỷ USD đã được bán ra trong giai đoạn này, tương đương 1/7 – 1/6 lượng ngoại tệ mua được trong 5 tháng đầu năm.
Sau “phép thử” này, NHNN quyết định dừng lại với lý do để tỷ giá diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường và đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý.
Nguồn cung USD thời gian qua được hỗ trợ bởi cán cân thanh toán thặng dư liên tiếp trong 5 quý cũng như một lượng tiền lớn thu được từ cổ phần hóa DNNN… Công tác cổ phần hóa đang chậm lại những tháng đầu năm, nửa đầu tiên tháng 7 cũng ghi nhận nhập siêu trở lại dù giá trị khá khiêm tốn (880 triệu USD). Tuy nhiên, phía Chính phủ đã liên tục đốc thúc cũng như phê bình các địa phương, doanh nghiệp chậm cổ phần hóa. Các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu bằng các rào cản kỹ thuật cũng có thể được áp dụng để hỗ trợ nguồn cung USD.
Ngoài ra, theo Giáo sư Andreas Hauskrecht, nguồn cung USD của Việt Nam còn được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dự báo sẽ lớn hơn nhiều lần so với dòng vốn gián tiếp (FII). Vị giáo sư người Mỹ còn cho rằng có khả năng NHNN sẽ gặp bài toán tiền đồng lên giá và phải can thiệp bằng cách mua vào ngoại tệ. Ông tin tưởng với quy mô dự trữ ngoại hối cao kỷ lục hiện nay, NHNN sẽ có năng lực để kiểm soát đồng nội tệ.
Đối với công cụ kiểm soát cung cầu VND thông qua thị trường mở và điều chỉnh lãi suất VND, các biện pháp bán ngoại tệ, phát hành tín phiếu được NHNN sử dụng đã hút thanh khoản trên thị trường tiền tệ. Lãi suất liên ngân hàng do đó cũng đã tăng mạnh, với mức lãi suất kỳ hạn qua đêm trở lại mức 4%. Lãi suất tín phiếu được điều chỉnh nhích tăng để giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Lãi suất trên thị trường dân cư thời gian qua không tăng quá cao. Theo SSI Retail Research là nhờ tín dụng tăng trưởng chậm lại và lạm phát được kiểm soát tốt. Nhưng để giải bài toán tỷ giá, cũng không loại trừ khả năng việc tăng lãi suất sẽ lan sang thị trường dân cư.
Trong khi định hướng lãi suất cho vay cần được ổn định để hỗ trợ tăng trưởng một cách hợp lý, các ngân hàng có thể phải chấp nhận tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) thấp hơn nếu lãi suất huy động tăng, nhất là khi lợi nhuận của ngành này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong hai quý đầu năm.