Doanh thu thuần nửa đầu năm 2018 của Masan Consumer (MCH) đạt 7.338 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với mức 5.462 tỷ cùng kỳ năm 2017, nhờ vào việc “cao cấp hóa” các sản phẩm và giới thiệu các sản phẩm mới trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, và đà tăng trưởng của đồ uống và bia. Tương ứng, EBITDA 6 tháng đầu năm tăng hơn 115% lên mức 1.954 tỷ đồng.
Phân tích sâu, 7 sản phẩm mới đựợc tung trong quý 2/2018 với chi phí đầu tư thương hiệu chiếm gần 7% doanh thu thuần. Được biết, việc “cao cấp hóa” danh mục sản phẩm cốt lõi là một bước đi quan trọng trong bối cảnh các sản phẩm gia vị cao cấp đang đóng góp 25% tổng doanh thu thuần của ngành gia vị so với chỉ 20% vào quý 2/2017.
Trong đó, tại mảng mì gói, mì ly Omachi, một giải pháp bữa ăn cao cấp dự kiến sẽ đóng góp hơn 10% cho cả danh mục Omachi. Các sản phẩm mới trong lĩnh vực đồ uống tiếp tục đạt tăng trưởng 24%, nhờ vào tăng trưởng khoảng 50% của nước tăng lực.
Riêng về mảng gia vị, doanh thu thuần nửa đầu năm 2018 tăng 41,9% lên 3.038 tỷ đồng từ 2.141 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017. Tăng trưởng doanh thu đến từ sự phục hồi của những nhãn hiệu cốt lõi như Nam Ngư và Chin-su, với sản lượng đóng góp đến 70% vào tăng trưởng, và 30% đến từ việc tăng giá bán.
Masan Consumer cho biết, tăng trưởng doanh thu các nhãn hiệu chính đóng góp 90% vào tăng trưởng, trong khi các sản phẩm mới (như Nam Ngư Nhãn Vàng, Nam Ngư Phú Quốc, Chin-su Mặn Mà, và Tam Thái Tử Thượng Hạng) đóng góp 10% còn lại. Tương tự, chiến lược “cao cấp hóa” tiếp tục đang đem lại hiệu quả, khi mà mức đóng góp vào doanh thu từ các sản phẩm cao cấp (như nhãn hiệu Chin-su, Nam Ngư Nhãn Vàng, Nam Ngư Phú Quốc, Tam Thái Tử Thượng Hạng) tăng lên 25% trong quý 2/2018 so với 20% trong quý 1/2017.
Đáng chú ý, thịt chế biến là một trong những ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất của Masan Consumer. Sau khi tăng trưởng gần 6 lần trong năm 2017, ngành hàng này sẽ được thay đổi một cách nền tảng bằng phát kiến sản phẩm mới. Việc liên doanh với Jinju Ham – nhà sản xuất thịt chế biến hàng đầu tại Hàn Quốc sẽ giúp đem lại công nghệ để chế biến các sản phẩm mới vào cuối năm
Ngoài ra, trong lĩnh vực nước giải khát, doanh thu thuần cà phê tăng 16,3%, con số tại đồ uống đạt 1.233 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng 24,3% so với nửa đầu năm 2017, chủ yếu là do tăng trưởng khoảng 50% của nước tăng lực đạt 825 tỷ đồng trong nửa đầu năm từ 560 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017. Đặc biệt, nhãn hiệu nước tăng lực “Compact” mới được tung vào tháng 4/2018 giúp gia tăng thị phần và gia nhập phân khúc nước tăng lực truyền thống. Song song đó, ban điều hành kỳ vọng doanh thu ngành đồ uống sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng cho cả năm 2018.
Dự báo đến cuối năm, doanh thu và lợi nhuận Masan Consumer sẽ tăng trưởng lần lượt là 25% và 50%: với biên lợi nhuận gộp tương tự và đạt EBITDA trên 4.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2017.
Về Masan Consumer – là công ty con của Tập đoàn Masan kinh doanh mảng thực phẩm và đồ uống có quy mô tại Việt Nam, đồng thời chiếm thị phần lớn tại các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi. Danh mục sản phẩm của Masan Consumer bao gồm những thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam tin yêu như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Kokomi, Vinacafe, Wake-up, Vĩnh Hảo và Quang Hanh.