Những diễn biến khó lường
Khoảng 2 năm gần đây, thanh khoản thị trường lúc thấp điểm thường rơi vào khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng/phiên, tương đối khả quan sẽ vào tầm 1.500-2.500 tỷ đồng/phiên và trên mốc 2.500 tỷ đồng/phiên được xem là rất tích cực. Đối với một số CTCK, mốc 2.000 tỷ đồng/phiên được coi là “sống tốt” dù không quá xông xênh. Tạm lấy mốc thanh khoản 2.000 tỷ đồng/phiên là “tiền tươi” NĐT thường xuyên tham gia TTCK có thể đạt được, khi thanh khoản vọt lên 3.000-4.000 tỷ đồng/phiên nhiều khả năng sẽ phải có dòng tiền margin.
Từ ngày 10-2, thị trường bắt đầu xuất hiện phiên giao dịch có thanh khoản vào mốc 3.000 tỷ đồng. Đây là mức tương đối cao tính từ đầu năm, kèm theo đó VN Index biến động tương đối khó lường. Những nhận định về khả năng điều chỉnh của TTCK bắt đầu xuất hiện.
Nhìn ở góc độ từng phiên có thanh khoản 3.000 tỷ đồng, cho dù có 1.000 tỷ đồng tiền margin, cũng chưa phải là lớn (tỷ lệ margin/vốn mới chỉ 50%). Nhưng vấn đề là những phiên 3.000 tỷ đồng lại liên tục xuất hiện trong những ngày gần đây, có phiên vọt lên mốc 4.000 tỷ đồng. Nhiều NĐT đã tỏ ra ngạc nhiên trước sức mạnh của dòng tiền và độ bền bỉ của nó.
Phiên ngày 18-2, VN Index lình xình trong suốt cả buổi sáng, thanh khoản tăng lên, áp lực chốt lời tại một số mã chủ chốt xuất hiện. Một số NĐT thuộc vào loại dày dạn kinh nghiệm cũng tiến hành bán ra vì cho rằng thị trường khó “thọ”.
Thế nhưng đến khoảng 13h30, tình thế bắt đầu thay đổi, những CP đầu giờ sáng được giao dịch quanh mốc tham chiếu đến chiều đã tăng trở lại. Chẳng hạn, GAS ban đầu còn dao động quanh mốc 82.500 đồng/CP nhưng sau đó đã tăng lên 83.500 đồng/CP rồi đóng cửa tại mốc 83.000 đồng/CP.
Trong khoảng 30 phút cuối cùng của phiên này, lực mua đã chuyển từ thận trọng sang hứng khởi và tại một số CP, những người lỡ bán ra đã mua không kịp hoặc không dám mua trở lại. Kết phiên, VN Index tăng 4,36 điểm, tương đương 0,76% lên 574,6 điểm; HNX Index tăng 1,4 điểm, tương đương 1,76% lên 81,04 điểm; thanh khoản cả 2 sàn đạt gần 3.500 tỷ đồng. Buổi tối cùng ngày, một số báo cáo phân tích của các CTCK đã đưa ra quan điểm lạc quan cho cái đích tiếp theo của VN Index là 590-600 điểm.
Phiên ngày 19-2 cũng có diễn biến tương đối khó lường khi tăng vào đầu phiên, điều chỉnh nhẹ vào giữa phiên nhưng cuối cùng VN Index lại tăng tiếp 2,85 điểm, tương đương 0,5% lên 577,41 điểm.
Cơ hội cho NĐT?
Về mặt tâm lý mà nói, nhiều NĐT kể cả đang cầm tiền hay giữ CP đều ở trạng thái mâu thuẫn trong suy nghĩ. Xét về điểm số, giá CP nhiều người đều cho là cao, nhưng chờ mãi thị trường vẫn không điều chỉnh để vào, trong khi dòng tiền vẫn tham gia mạnh mẽ.
Trong xu hướng này, NĐT nếu tiếp tục theo thị trường sẽ rủi ro, nhưng nếu giữ tiền thận trọng, ngày ngày mở bảng điện xem sẽ đứng ngồi không yên. Thậm chí, một số người trước Tết Nguyên đán còn mong và quyết chỉ mua vào khi thị trường xuống, đã bắt đầu suy nghĩ và thay đổi hành động của mình.
Theo đó, khi thị trường hết nghỉ tết, chứng khoán mở cửa trở lại, họ sẽ chọn cách đánh gấp gáp để tranh thủ những cơ hội (mà họ cho là) ít ỏi. Thêm nữa, thị trường càng tăng, NĐT càng có lãi và thường họ không muốn bán sớm CP đang lãi mà có thể sử dụng margin để mua CP mới.
Trao đổi với giám đốc môi giới của một CTCK lớn, người này đưa ra ước tính hiện các CTCK sử dụng khoảng 60% số vốn mình đang có cho hoạt động margin. Thí dụ, CTCK vốn 300 tỷ đồng đang cho margin khoảng 180 tỷ đồng.
Theo một số thông tin khác, chỉ riêng một trong những CTCK có vốn điều lệ lớn và thị phần thuộc vào top trên thị trường đang cấp margin ra thị trường cũng đã hơn 1.000 tỷ đồng. Còn nếu ước tính theo một cách khác, tiền margin mỗi phiên vào tầm 1.000-2.000 tỷ đồng (tương đương với mỗi phiên có thanh khoản 3.000-4.000 tỷ đồng), tổng số tiền margin từ T+0 đến T+2 (tức 3 ngày) sẽ dao động trong khoảng 3.000-6.000 tỷ đồng.
Dựa trên những tính toán như vậy, khi nào giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên lên đến 4.000-5.000 tỷ đồng/phiên, rủi ro thị trường đã rơi vào trạng thái “full margin”, hay nói nôm na là “vay hết cỡ, đánh tất tay” mới hiện hữu.
Tuy nhiên, theo một người đã có nhiều năm làm việc trong ngành quản lý quỹ chia sẻ, cần lưu ý đến yếu tố dòng tiền mới, tức dòng tiền tăng thêm không chỉ có margin mà còn đến từ một số quỹ ngoại. Hiện tại, với sức hút của TTCK Việt Nam, việc một số quỹ đổ tiền vào và giao dịch một cách cấp tập, mỗi phiên có thể mua với số tiền lên đến hàng chục triệu USD (tương đương 210 tỷ đồng) hoàn toàn có thể xảy ra.
Chỉ cần một vài quỹ hành động như vậy, cán cân dòng tiền có thể thay đổi. Hơn nữa, giả sử CTCK có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, vốn margin đối ứng theo lập luận thông thường sẽ tương ứng với 1.000 tỷ đồng, nhưng trong thực tế con số này có thể tăng lên. Nếu CTCK có các đối tác hoặc có những lợi thế về tài chính, việc huy động thêm vốn về để cho vay cũng có thể xảy ra, như vậy khả năng dòng tiền sẽ còn có thể tăng thêm.
Vấn đề đặt ra hiện thời là margin sẽ làm thị trường nóng đến đâu, rủi ro thế nào? Theo tiết lộ từ một người làm trong CTCK có thệ thống quản trị rất chặt chẽ, trạng thái margin tầm 60-70% đã xuất hiện khá nhiều lần trong vài năm qua.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc CTCK vẫn kiểm soát được rủi ro cho hoạt động của mình, hay chí ít cũng có kinh nghiệm. Cứ cho rằng CTCK sẽ kiểm soát tốt rủi ro nếu thị trường nóng, phần lo ngại nhất đương nhiên thuộc về NĐT. Với thanh khoản tầm 4.000-5.000 tỷ đồng/phiên, chỉ cần khoảng 2 phiên điều chỉnh sâu, trạng thái “margin call” (yêu cầu bán ra, giải chấp) sẽ xuất hiện.
Trong khi khách hàng bán ở trạng thái này sẽ lỗ rất nặng, bởi đòn bẩy càng cao, thua lỗ và rủi ro càng lớn. Điều này trong thực tế đã xuất hiện vào giai đoạn tháng 9-2009. Thời điểm đó thanh khoản trung bình của thị trường lên đến 5.000 tỷ đồng/phiên và đến quý IV-2009, một đợt điều chỉnh mạnh xuất hiện.