Là CTCK có quy mô vốn điều lệ thuộc nhóm cao của TTCK Việt Nam, lên tới 1.266,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.382,53 tỷ đồng, đặc biệt là đã niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM, nhưng CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SacombankSC, mã SBS) lại có báo cáo tài chính (BCTC) riêng lẻ quý II/2011 rất khiêm tốn. Với 10 trang giấy A4 bao gồm đủ các nội dung của một BCTC như: báo cáo kết quả kinh doanh (1 trang), bảng cân đối kế toán (2 trang), thuyết minh lưu chuyển tiền tệ (1 trang) và phần còn lại là thuyết minh BCTC. Với 3 nội dung đầu, cổ đông và công chúng không có gì để thắc mắc, bởi đó là những khuôn mẫu cố định. Nhưng phần thuyết minh BCTC, nội dung để những ai quan tâm có thể tìm hiểu thêm về từng khoản mục trên BCTC, được SBS trình bày quá ngắn gọn.
Với 6 trang của phần thuyết minh, 1 trang đầu tiên được sử dụng để nêu đặc điểm hoạt động, chuẩn mực, nguyên tắc hạch toán, kế toán; 1 trang cho báo cáo vốn chủ sở hữu, 2 trang cho phần tài sản cố định hữu hình, vô hình và thuế… Tóm lại, chỉ còn 2 trang cho các nội dung thuyết trình liên quan đến khoản mục đầu tư, các khoản phải vay, phải trả của Công ty, khiến người đọc cảm thấy hụt hẫng do sự sơ sài trong báo cáo này.
Điều khiến công chúng đầu tư cảm thấy “khó chịu” hơn là việc xuất hiện quá nhiều “cái khác” với quy mô hàng nghìn tỷ đồng trên BCTC của Sacombanksc. Đơn cử, trong phần thuyết minh các khoản mục đầu tư của Công ty xuất hiện hơn 3.780 tỷ đồng giá trị sổ sách đầu tư tài chính khác, chiếm trên 64% tổng giá trị đầu tư, bằng hơn 273% so với vốn chủ sở hữu, thậm chí còn lớn hơn quy mô vốn điều lệ của không ít ngân hàng thương mại cổ phần. Đây là số tiền rất lớn, nhưng cổ đông lại không thể biết SacombankSC đã dùng để làm những gì, liệu nó có bị hao hụt đi hay không? Tin tưởng CTCK là một chuyện, nhưng tạo cơ chế để cổ đông giám sát ngược nhằm duy trì sự tin tưởng ấy lại là chuyện khác. Một chuyên gia tài chính nói: “Không có chuyên gia tài chính nào dám nói rằng, họ hiểu tường tận tình hình tài chính của SacombankSC nếu chỉ căn cứ trên những con số trong BCTC quý II/2011 vừa được công bố”.
Tại CTCK Phố Wall (WSS), BCTC quý II/2011 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Báo cáo dài 16 trang, 4 trang có các nội dung cố định (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, thuyết minh lưu chuyển tiền tệ), 12 trang cho phần thuyết minh. Tuy nhiên, phần giới thiệu đặc điểm hoạt động, nguyên tắc hạch toán kế toán… đã chiếm 3 trang. Đặc biệt, những ai quan tâm đến WSS đều biết, Công ty đang có vướng mắc tài chính với một đơn vị khác; trong đó, tính đến đầu năm 2010, số tiền mà WSS phải trả là 86,8 tỷ đồng, bao gồm 12,2 tỷ đồng là tiền lãi phát sinh. Vậy nhưng, thông tin về các nghĩa vụ tài chính của công ty này tuyệt đối không nhắc đến khái niệm nợ nần. Khoảng 12 tỷ đồng phải trả của WSS thời điểm cuối quý II chỉ bao gồm những khoản phải trả, phải nộp liên quan đến bảo hiểm y tế, phải trả giao dịch của nhà đầu tư và hơn 5 tỷ đồng phải trả, phải nộp khác. Con số này thời điểm 31/12/2010 tương ứng là 16 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với riêng khoản nghĩa vụ tài chính mà phía đối tác của WSS đang đưa ra cơ quan điều tra.
Sự việc nổi cộm, đã được nhiều người chú ý như trên mà WSS còn không đưa vào trong BCTC của mình, thì nhà đầu tư sẽ lấy gì để tin tưởng vào mức độ minh bạch của Công ty? NĐT có quyền nghi ngờ, liệu WSS có còn mối liên hệ, nghĩa vụ, rắc rối tài chính nào chưa được bung ra?
Cuối tháng 7, giám đốc một công ty luật tại Hà Nội cho ĐTCK hay, mảng nợ nần của các CTCK đang là vấn đề “hot”, một số CTCK trong tình trạng bị khách hàng của Công ty (luật) thúc ép trả nợ trước khi đưa ra toà. Tuy nhiên, lần giở BCTC của những công ty đang là “đối tượng đòi nợ” của khách hàng công ty luật đó, điều thú vị nhất là tất cả các báo cáo đều “sạch” (không có vấn đề về tài chính). Nên chăng, cơ quan quản lý cần có quy định chặt chẽ hơn trong cách thức lập BCTC của nhóm các CTCK, để tránh tình trạng “xấu xa đậy lại”, tránh những cú sốc bất ngờ khi khối u nợ nần của CTCK không thể giấu mãi.