Cách đây gần 6 tháng, VinaCapital Viet nam Opportunity Fund (VOF) – quỹ đầu tư lớn nhất do Tập đoàn VinaCapital quản lý, đã rót 32,5 triệu USD mua 9,48 triệu cổ phiếu, tương đương 33,77% cổ phần của CTCP Ba Huân – một công ty gia đình do bà Phạm Thị Huân làm chủ, đang chiếm 30% thị phần sản xuất trứng tại Việt Nam.
VOF còn dự tính sau 12 tháng sẽ xem xét tăng thêm vốn đầu tư để công ty Ba Huân mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nếu doanh nghiệp (DN) này đạt được mục tiêu kinh doanh theo thỏa thuận giữa hai bên.
Nảy sinh tranh chấp
Thời điểm đó, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành Vinacapital, còn hồ hởi cho biết hai bên tin tưởng vào sự hợp tác để đưa kinh nghiệm, kiến thức quản trị mới giúp DN nâng chất lượng quản trị và vững bước tiến vào giai đoạn tăng trưởng kế tiếp.
Cũng theo ông Andy Hồ, trong chiến lược ban đầu, VOF thường nắm giữ các khoản đầu tư tư nhân trên 5 năm và xem xét cụ thể dựa trên hiệu quả kinh doanh của từng DN trong suốt thời gian này.
Thế nhưng, việc hợp tác đầu tư giữa đôi bên chỉ sau nửa năm đã cho thấy không “xuôi chèo mát mái” khi mới đây rộ lên thông tin là phía CTCP Ba Huân hồi tháng 7/2018 đã có bản báo cáo gửi đến Văn phòng Chính phủ nhờ Thủ tướng hỗ trợ chấm dứt hợp tác với VinaCapital.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc CTCP Ba Huân, đã xác nhận về chuyện này nhưng phía công ty chưa có thông báo chính thức đến giới truyền thông do “đây là vấn đề tế nhị, giữa Ba Huân và VinaCapital đang trong giai đoạn thương lượng để giải quyết mọi việc được êm đẹp cho cả hai bên”.
Trong khi đó, như phản ánh của dư luận, nguyên nhân chính dẫn đến việc hợp tác đầu tư có thể bị tan vỡ là vì phía công ty Ba Huân lo ngại bị chiếm quyền quản lý và chiếm đoạt thương hiệu, hạn chế ngành nghề kinh doanh.
Đặc biệt là một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng tiếng Anh và tiếng Việt giữa hai phía không có sự thống nhất với nhau, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Chưa kể, khi công ty Ba Huân đề nghị chấm dứt hợp tác thì có thông tin cho rằng VinaCapital yêu cầu phải thanh toán khoản phí phát sinh dựa trên mức lãi suất 22% cho các khoản đầu tư mua cổ phần phát hành thêm.
Nhiều dấu hỏi được đặt ra là tại sao Ba Huân là DN có thâm niên làm ăn lâu năm trên thương trường, khi ký hợp đồng với VinaCapital lại không tham vấn luật sư cũng như đội ngũ tư vấn pháp luật mạnh để tự gây bất lợi cho chính mình? Và tại sao lại để nhà đầu tư soạn hợp đồng bằng tiếng Anh và tiếng Việt không có sự thống nhất về nội dung?
Bài học cho doanh nghiệp
Không mổ xẻ nhiều xoay quanh chuyện hợp tác của Ba Huân, nhưng việc một DN nội địa đang ăn nên làm ra, có thương hiệu và thị phần lớn trên thị trường phải tham gia vào các tranh chấp trong hợp tác đầu tư là một điều không mong đợi, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho chính bản thân DN.
Tuy nhiên, đây là việc không tránh khỏi khi các DN Việt đang có xu hướng muốn mở cửa rộng hơn với các nhà đầu tư, trong đó có các dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài hay các quỹ đầu tư ngoại.
Tại địa bàn Tp.HCM, như chia sẻ của bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, tính đến tháng 5/2018, có 1.130 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư theo hình thức góp vốn/mua cổ phần/mua lại phần vốn góp của DN trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương khoảng 2,5 tỷ USD.
Theo bà Mai, hoạt động đầu tư nước ngoài đặt ra bài toán hết sức nan giải cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc vừa quản lý tốt hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư ngoại trong khi cần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng quy định pháp luật, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, lại vừa không làm phương hại đến lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư và có tính đến sự phù hợp với các tập quán đầu tư kinh doanh quốc tế.
Giới chuyên gia cho rằng cách thức hiệu quả nhất để xử lý tranh chấp hợp tác đầu tư là tránh để phát sinh tranh chấp ngay từ đầu. Ở một mức độ nào đó, những tranh chấp này là không thể tránh khỏi, nhưng có những bước hữu ích mà các DN Việt có thể thực hiện giúp giảm nguy cơ phát sinh các tranh chấp nếu tham vấn tốt đội ngũ luật sư.
Trong vấn đề của công ty Ba Huân và VinaCapital, như chia sẻ của ông Phạm Thanh Hùng, là cả hai bên đang tiến hành thương lượng. Nhưng trên thực tế, đây là bước đầu tiên đòi hỏi phía DN nắm bắt được những tình tiết trong tranh chấp.
Sẽ rất đáng giá để phía DN tự hỏi là có vấn đề gì trong vụ việc tranh chấp này có thể gây tai tiếng nếu được đưa ra công chúng hay công bố rộng rãi không?
Các tranh chấp hợp tác đầu tư tương tự như vậy ở Việt Nam có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Để tránh thiệt thòi, các DN Việt cần chủ động giảm thiểu rủi ro phát sinh trước khi chuyện đã rồi hơn là phải kiện tụng ra tòa với nhiều chí phí.
Trong chuyện này, luật sư hay các cố vấn pháp lý luôn đóng một vai trò quan trọng cho DN.