Theo quan sát của các chuyên gia, cách đây khoảng 10 năm về trước, M&A được coi là một phương thức kinh doanh đầy mới lạ. Mà sự mới lạ thì luôn song hành cùng hai thái độ tiếp nhận tương phản: e dè hoặc hứng khởi cho bên bán với bên mua.
Bài học về những Dạ Lan, PS trong quá khứ một thời từng reo rắc nỗi sợ về sự thao túng của các ông chủ ngoại với doanh nghiệp “mầm non” Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà phân tích tốn bao nhiêu giấy mực để nói về những thương vụ đình đám một thời này.
Ngày đó, mỗi khi nhắc đến Dạ Lan, PS, nhiều người thường thể hiện sự tiếc nuối và có cái nhìn thiếu thiện cảm cho các thương hiệu ngoại. Cả Colgate Palmolive và Unilever đều chung một “bổn”, mua lại doanh nghiệp để cho sản phẩm cũ tự chết hoặc tạo ra những thay đổi quan trọng trong quản trị, công nghệ sản xuất. Và khi cha đẻ của những thương hiệu nội không thể theo kịp sự đổi thay này, sự thao túng là không thể tránh khỏi. “Người ngoài” lấp sản phẩm mới thay cho sản phẩm cũ (với Dạ Lan), hoặc giữ nguyên thương hiệu (với PS), nhưng tiếp tục nâng tầm, phát triển lên khi đã hoàn toàn làm chủ cuộc chơi.
Chỉ sau vỏn vẹn 3 tháng chuyển nhượng quyền sở hữu thương hiệu cho Colgate với định giá thương hiệu 3 triệu USD (năm 1995), Dạ Lan đã biến mất một cách chóng vánh và thay vào đó là sản phẩm cùng loại mang thương hiệu Colgate của “cá mập” ngoại.
Dù trước đó, vào những năm 1993 – 1994, kem đánh răng Dạ Lan chiếm tới khoảng 70% thị phần kem đánh răng cả nước, riêng từ Đà Nẵng trở vào là 90% thị phần. Còn với PS, dù muộn màng hơn, nhưng sau thương vụ M&A với Unilever (vào năm 2003), thương hiệu được định giá 5 triệu USD này cũng nhanh chóng chịu sự thao túng hoàn toàn của người mới.
Đến sự thay đổi trong nhận thức
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về sự thay đổi trong nhận thức về M&A trong khoảng 10 năm trở lại đây, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, 10 năm trước, M&A là một khái niệm còn mới mẻ. Đi kèm với nó là sự tiêu cực, sợ hãi, sợ bị thôn tính, sợ bị đối thủ “ăn” mất mình.
Nhưng đến nay, nhận thức chung về hình thức này đã tích cực hơn nhiều. Người ta ngày càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nó. Sự thay đổi rất lớn là từ tâm lý sợ hãi thành một phương thức kinh doanh mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô để từ chỗ sợ bị mua thành mong mình được mua.
10 năm trước, thị trường M&A tại Việt Nam còn sơ khai và có doanh số rất hạn chế. Trước năm 2007, mỗi năm Việt Nam chỉ có không quá 50 thương vụ M&A. Sau đúng 1 thập kỷ, M&A từ một vài hoạt động đơn lẻ, đã không ngừng gia tăng về giá trị, số lượng thương vụ và trở thành dòng vốn dẫn dắt đầu tư, hướng tới những khu vực có khả năng sinh lời cao. Đến nay, tổng giá trị các thương vụ đã đạt trên 48 tỷ USD và năm 2017 chứng kiến sự bùng nổ lớn khi làn sóng thứ hai cán mốc 10 tỷ USD.
Vậy, đâu là lý do khiến M&A trở nên hấp dẫn như vậy?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, sở dĩ M&A ngày càng được nhiều doanh nghiệp chọn lựa, là bởi nó đã chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp đã nhận ra tính tích cực của M&A qua việc giúp doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động, vận hành hiệu quả. Tương lai M&A sẽ đóng vai trò quan trọng với các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Và sự Phấn Khích
Để có được cái nhìn thiện cảm hơn về phương thức đầu tư này, thị trường và các yếu tố trong đó đã mất một quãng thời gian cả chục năm trời. Và đến nay, trái ngược với tâm lý e dè trước đó, M&A mang đến nhiều hơn sự phấn khích.
Theo nhận xét của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, trong những năm qua, đơn vị này chứng kiến sự thay đổi rất nhiều của thị trường M&A nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đang đón nhận nhiều nhà đầu tư quan tâm, không chỉ ở các dự án nhà ở, mà cả dự án thương mại, văn phòng, khách sạn…
“Thời gian tới đây, M&A sẽ tiếp tục là phương thức được nhiều nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước lựa chọn để mở rộng quy mô, thị trường trong lĩnh vực bất động sản”, ông Matthew Powell cho biết thêm.
Cũng giữ sự hào hứng với phương thức này, bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho biết, những năm gần đây, thị trường M&A đã phát triển cả về quy mô và chất lượng, ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này. Với diễn biến sôi động của phương thức này trong thời gian qua, thì thị trường bất động sản sẽ có triển vọng phát triển chuyên nghiệp hơn, cao hơn, không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở tầm vóc quốc tế.
“Với Đại Phúc, chúng tôi đang thực hiện những dự án có quy mô lớn với nhiều hạng mục, tiện ích cần mời gọi hợp tác, đầu tư. Điển hình là các hạng mục như bệnh viện, trường học, giải trí… trong khu đô thị. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư để cùng triển khai hiệu quả các dự án”, bà Hương Nguyễn cho biết thêm.
Để có các thương vụ thành công
Các chuyên gia, doanh nghiệp và đơn vị tư vấn đều cho rằng, để có được các thương vụ thành công, các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn và phải liên tục nỗ lực, “sửa” mình để có thể gia tăng sự “quyến rũ”.
“Theo tôi, để có thể ‘quyết rũ’ được các nhà đầu tư, trước hết đó phải là một doanh nghiệp tốt, hay chí ít là có tiềm năng phát triển. Do đó, việc xây dựng chiến lược quản trị doanh nghiệp, kinh doanh bài bản có tham vọng, có mục tiêu rõ ràng là rất quan trọng. Những yếu tố phi tài chính này đôi khi lại mang yếu tố quyết định hơn so với yếu tố tài chính. Bởi các giá trị tài chính tương đối rõ ràng, rất khó để có thể nâng giá, nhưng các giá trị, yếu tố mềm phi tài chính mới làm nên các thương vụ tốt và điển hình”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Tương tự, theo ông Thinh, để thực sự hấp dẫn đối tác, thì với những đơn vị muốn tìm nhà đầu tư cần có chiến lược cho hoạt động M&A một cách bài bản như xây dựng lại kế hoạch, mục tiêu cho tương lai. Ngoài ra, chuẩn bị cho M&A một cách chu đáo, kỹ lưỡng như hệ thống thông tin, sổ sách, con người, đặc biệt là chiến lược kinh doanh để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Còn với các nhà đầu tư, cần phải xác định rõ mình muốn gì ở thị trường, đâu là hình mẫu doanh nghiệp mình đang tìm kiếm, đầu tư vào công ty đã có thương hiệu để tiếp tục phát triển hay chỉ đơn thuần là tận dụng mạng lưới để cung cấp sản phẩm tại Việt Nam.
Còn theo bà Hương Nguyễn, yếu tố tiên quyết để có được các thương vụ thành công, đó là hai bên đối tác phải tìm được tiếng nói chung, có sự phù hợp, đồng điệu trong mục tiêu phát triển, phải có nhu cầu hợp tác thực sự. Có vậy, các thương vụ M&A mới thực sự bền chặt và các đối tác mới có thể cùng nắm tay nhau đi được một chặng đường dài.