Từ một công ty ít ai biết tới trên thị trường tài chính, giờ Bamboo Capital (.BCG) đang trở thành cái tên được nhắc đến nhiều với câu chuyện tăng vốn thần tốc, gấp gần 20 lần trong vòng 3 tháng. Tăng vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh là chuyện thường thấy ở các doanh nghiệp. Nhưng tốc độ tăng quá nhanh sẽ khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn về khả năng sử dụng vốn hiệu quả, nhất là khi thông tin về Bamboo Capital còn rất khiêm tốn.
Trong khi đó, nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital, từng lãnh đạo Công ty Chứng khoán Sacombank nhiều năm và để lại khoản lỗ lũy kế trong thời gian tại vị lên đến gần 1.800 tỉ đồng.
Tăng vốn siêu tốc
Cuối năm 2011, trước khi rời Chứng khoán Sacombank, ông Nguyễn Hồ Nam cùng các cộng sự đã thành lập Công ty Cổ phần Thủ Phủ Tre, nay đổi tên thành Bamboo Capital. Tư vấn tài chính, quản lý tài sản và dịch vụ về hạ tầng công nghệ thông tin là 3 định hướng chiến lược của Công ty. Trong đó, đáng chú ý là dịch vụ tài chính. Ban lãnh đạo Bamboo từng cho biết doanh thu và lợi nhuận năm 2014 tăng đột biến so với các năm trước là “nhờ các hoạt động tư vấn huy động vốn quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam, tư vấn M&A và tư vấn tái cấu trúc”.
Cụ thể, doanh thu năm 2014 đã tăng gấp 3 lần so với năm trước và đạt hơn 17 tỉ đồng, trong đó có trên 16 tỉ đồng đến từ tư vấn tài chính. Nhìn qua thị trường tư vấn tài chính, có thể thấy tên tuổi của Bamboo chủ yếu gắn liền với Quỹ GEM trong vai trò là nhà tư vấn hoặc đồng tư vấn cho đơn vị này cam kết đầu tư vào các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, FLC, Hoàng Huy…
![]() |
Đáng chú ý là Bamboo không chỉ hoạt động theo định hướng đã công bố mà còn mở rộng quy mô hoạt động thông qua các thương vụ mua lại cổ phần của nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. Và để phục vụ cho chiến lược mới này, Bamboo đã bắt đầu những bước đi đầu tiên với lộ trình tăng vốn nhanh đến chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, đến cuối năm 2014 vốn điều lệ thực góp của Công ty chỉ gần 22 tỉ đồng. Ngay trong quý I năm nay, con số này đã nhanh chóng tăng lên hơn 400 tỉ đồng, chủ yếu do ông Nguyễn Hồ Nam góp vốn bằng tiền mặt.
Chưa dừng lại, Bamboo Capital sẽ còn tăng gấp đôi vốn để đạt hơn 800 tỉ đồng trong năm 2015 sau khi niêm yết trên sàn TP.HCM (dự kiến tháng 6 này). Mục đích tăng vốn sắp tới là để mở rộng kinh doanh, đầu tư và bổ sung vốn lưu động, trong đó 50% nguồn vốn tăng thêm sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Đại hội cổ đông 2015, những doanh nghiệp mà Bamboo dự định M&A có thể là các công ty trong ngành dược phẩm và nông nghiệp.
Dấn thân đa ngành
Trong vòng 2 năm trở lại đây, bóng dáng của mô hình tập đoàn đa ngành ở Bamboo đã dần hình thành khi Công ty mua lại một số doanh nghiệp trong các ngành như kinh doanh bất động sản, khai thác và chế biến gỗ, khoáng sản, xây dựng công trình, dịch vụ bảo vệ…
Trong số các doanh nghiệp Bamboo đã mua, đầu tiên phải nhắc đến ngành khai thác và chế biến gỗ khi nhóm này chiếm đa số, bao gồm Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Long Gia Lai, Công ty Phát triển Nguyễn Hoàng và Công ty Thành Phúc.
Đáng chú ý nhất là thương vụ với Đức Long Gia Lai. Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai được tập đoàn mẹ Đức Long Gia Lai chuyển nhượng cho Bamboo với giá hơn 40 tỉ đồng trong quý I/2015.
Trong khi các “ông lớn” như Đức Long Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai… đã không còn mặn mà với ngành gỗ thì Bamboo lại mạnh dạn dấn thân. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ phải thu hẹp hoạt động hoặc dừng sản xuất do chính sách đóng cửa rừng của Chính phủ và việc kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ nguyên liệu của các nước nhập khẩu.
Riêng với Đức Long Gia Lai, “vị trí nhà máy sản xuất gỗ của Công ty tại Gia Lai rất xa cảng và thị trường phụ liệu, phụ kiện”, làm tăng thêm chi phí khi thị trường gỗ gặp khó (theo bản cáo bạch năm 2015 của Công ty). Thế nhưng, Bamboo lại mua toàn bộ vốn mà Đức Long Gia Lai nắm giữ tại Chế biến Gỗ Đức Long Gia Lai (92%).
Cùng lúc với thương vụ bán Công ty Chế biến gỗ, Tập đoàn Đức Long Gia Lai còn bán hết cổ phần tại Công ty Khoáng sản và Luyện kim Tây Nguyên cho Bamboo với giá trên 60 tỉ đồng.
Cũng liên quan đến tập đoàn này, đầu quý II năm nay, Công ty thành viên của Bamboo là Quản lý Quỹ Thăng Long đã mua 500 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của Đức Long Gia Lai. Trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm, lãi suất 0%, giá chuyển đổi không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phần. Mặc dù Quản lý Quỹ Thăng Long có số vốn điều lệ khiêm tốn 37 tỉ đồng nhưng đã ghi nhận 10 tỉ đồng lỗ lũy kế trong 6 năm liên tục từ năm 2008 đến nay.
Dường như khẩu vị của Bamboo là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn và cần tái cấu trúc. Vừa qua, Công ty tiếp tục mua lại 70% vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận Tải (Tracodi). Trước khi thương vụ mua lại diễn ra, Tracodi thuộc sự quản lý của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Báo cáo mới đây của Tracodi thừa nhận kết quả kinh doanh của Công ty năm 2014 là rất kém; nếu không có sự đóng góp từ các công ty liên kết, mức lỗ sẽ nghiêm trọng hơn con số âm 1,2 tỉ đồng. Mảng cốt lõi – công trình xây dựng, lữ hành quốc tế – tạo ra lợi nhuận không đáng kể, trong khi 40% khoản nợ phải thu của mảng xây dựng có khả năng mất vốn. Các ngành khác như ủy thác nhập khẩu hay xuất khẩu lao động cũng gặp nhiều rủi ro và lợi nhuận thấp. Thậm chí, các vấn đề liên quan đến tuân thủ quy trình, giám sát nội bộ hay trích lập dự phòng của Công ty không có hoặc có nhưng thực hiện không đầy đủ.
Ma trận đầu tư của Bamboo vẫn chưa dừng lại. Công ty còn kinh doanh nhiều ngành nghề khác như cho thuê văn phòng ảo (Central Office), dịch vụ bảo vệ (Trường Thành Đại Nam, Bảo vệ Đại Nam), công nghệ thông tin (Bamboo Solution, ACG), chăn nuôi bò thịt (Việt Golden Farm), khai thác khoáng sản (Khai thác Khoáng sản Bắc Hà, Khoáng sản Luyện kim Tây Nguyên)…
Đầu tư đa ngành vốn là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp. Có lẽ chính vì khó tìm ra lời giải cho câu chuyện đa ngành mà ngay cả những tập đoàn lớn cũng bắt đầu quay về cốt lõi.
Liệu ông Nguyễn Hồ Nam cùng các cộng sự có đủ lực để phát triển các doanh nghiệp mà họ đang đầu tư, nhất là khi khẩu vị của Bamboo lại là những bài toán khó nói trên? Cùng với kết quả kinh doanh thua lỗ nặng tại Chứng khoán Sacombank, nơi ông từng nắm giữ vị trí cao nhất trong nhiều năm, liệu có ai dám tin vào canh bạc tăng vốn của Bamboo Capital?