Báo cáo toàn cảnh các hoạt động M&A Việt Nam nửa đầu năm 2018 của Công ty nghiên cứu BĐS JLL Việt Nam, cho thấy có nhiều thương vụ M&A thuộc phân khúc nhà ở, thương mại và công nghiệp trong 6 tháng qua. Cụ thể, năm 2018 khởi đầu với giao dịch tòa nhà văn phòng Sun Wah của nhà đầu tư Nomura Real Estate Development.
Khoảng tháng 3, Tập đoàn CapitaLand (Singapore) công bố một công ty con của tập đoàn đã mua lại 99,5% vốn điều lệ của CTCP Hiền Đức Tây Hồ (HDTH), với giá khoảng 685 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sở hữu một khu đất phát triển rộng 0,9 ha ở quận Tây Hồ, Hà Nội.
Một tập đoàn đến từ Singapore là Frasers Property cũng đã ký thỏa thuận mua 75% cổ phần của Công ty BĐS Phú An Khang, thành viên của Trần Thái Group. Giá trị thương vụ dự kiến khoảng 408,6 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Phú An Khang sẽ tiến hành xây dựng dự án khu dân cư và thương mại trên khu đất tại quận 2.
Một thương vụ phát triển nhà ở phức hợp lớn khác được ghi nhận tại quận 2 là việc thoái vốn của Keppel Land tại dự án của CTCP Quốc Lộc Phát. Cụ thể, công ty con của Keppel Land là Keppel Thủ Thiêm đã chuyển nhượng 20% cổ phần trong Quốc Lộc Phát với giá 42,2 triệu USD. Lợi nhuận thu được từ thương vụ này dự kiến khoảng 13 triệu USD.
Tháng 6-2018, Berjaya Land Berhad của Malaysia công bố công ty con Berjaya Leisure đã thoái toàn bộ 32,5% số vốn góp vào Berjaya Việt Nam Financial Center Limited (BVFC) cho hai công ty thành viên Tập đoàn Vingroup là CTCP Vinhomes và Tổng công ty Du lịch Cần Giờ, với khoảng chi phí được cân nhắc là 884,9 tỷ đồng (tương đương 38,4 triệu USD). BVFC là chủ đầu tư dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam Berjaya tại khu đất “vàng” giáp 3 mặt tiền đường Cao Thắng nối dài – Lê Hồng Phong – 3 Tháng 2 (quận 10). Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư 930 triệu USD.
Từ những thương vụ M&A BĐS trên thị trường từ đầu năm đến nay, cho thấy có sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại với vai trò là bên mua. Lý giải điều này, một chuyên gia BĐS cho rằng, khi tín dụng bị thắt chặt, các doanh nghiệp Việt Nam không còn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để có thể thực hiện dự án. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn của nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, lại có kinh nghiệm phát triển dự án, nên đôi bên sẽ tận dụng được thế mạnh của đối tác để tăng cạnh tranh.
Theo báo cáo của JLL Việt Nam, hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Trong mối quan hệ này, các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế về khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với cộng đồng doanh nghiệp địa phương – những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang là các nhà đầu tư hoạt động tích cực tại Việt Nam. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
“Nhìn vào bức tranh toàn cảnh thị trường, chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng liên tục thông qua tất cả các loại hình tài sản. Phân khúc khách sạn khá sôi nổi trong năm qua với việc các quỹ đầu tư nước ngoài mới quan tâm đặc biệt vào lĩnh vực này. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục, cũng như trong các lĩnh vực đang phát triển khác như công nghiệp và lĩnh vực thay thế như giáo dục. Bên cạnh đó, thị trường nhà ở bình dân cũng là một lĩnh vực phát triển quan trọng, hiện đang thu hút các nguồn vốn chuyên biệt dựa trên các nền tảng cơ bản như sự gia tăng của tầng lớp trung lưu” – bà Khanh Nguyễn, Giám đốc thị trường vốn của JLL Việt Nam nói.
Bà Khanh Nguyễn cũng kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đến thị trường bất động sản đang phát triển ở Việt Nam. Cả các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và tiềm năng đang tích cực săn lùng các dự án “sạch” và “rõ ràng” có thể đáp ứng các điều kiện và lợi nhuận cần thiết.