Tăng trưởng nhanh
Tuy mới phát triển mạnh vài năm trở lại đây, nhưng tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ đã đạt 18%, với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng năm 2017. Trong đó, cho vay mua, sửa chữa nhà có tỷ trọng lớn nhất – 52,9% và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%; cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại tăng lần lượt 6,5% và 35,2%.
Home Credit công bố đã cung cấp hơn 10 triệu hợp đồng cho vay tín dụng tiêu dụng sau 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam. 60% khách hàng vay mua sắm điện thoại và hàng gia dụng (nhánh sản phẩm chính của Công ty) được hưởng mức lãi suất chỉ 0%.
Đến nay, Home Credit Việt Nam có hơn 7,7 triệu khách hàng trong cơ sở dữ liệu, khoảng 4 triệu người trong số này chưa từng có lịch sử vay ngân hàng trước đó.
Chỉ sau 7 năm tham gia thị trường, FE Credit đã nắm giữ 55% thị phần tài chính tiêu dùng. Đến nay, FE Credit đã phục vụ 7 triệu khách hàng, hợp tác với 7.000 đối tác tại gần 11.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Đây cũng chính là “con gà đẻ trứng vàng” của VPBank khi phân nửa lợi nhuận của Ngân hàng do công ty này mang lại. Năm 2017, lợi nhuận của FE Credit chiếm hơn 51% tổng lợi nhuận của VPBank là hơn 8.1000 tỷ đồng.
HD Saison được HDBank kỳ vọng và thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, hoạt động của công ty này cũng có bước tăng trưởng vượt bậc. HD Saison đóng góp một tỷ lệ lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng mẹ.
Trong lợi nhuận trước thuế đạt được năm qua của HDBank (hơn 2.400 tỷ đồng), HD Saison đóng góp khoảng 35%. Theo dự tính của HDBank, năm 2018, lợi nhuận của HD Saison là trên 1.000 tỷ đồng trước thuế trong mục tiêu 4.700 tỷ đồng của HDBank.
Còn nhiều thương vụ M&A
Cho vay tiêu dùng được dự báo còn tăng trưởng mạnh, với tốc độ bình quân lên tới 30-35%/năm. Đây cũng là lý do khiến lĩnh vực này trở nên hấp dẫn và các công ty tài chính trở thành đối tượng săn lùng của nhà đầu tư ngoại.
Chẳng hạn, Techcombank đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại TechcomFinance cho Lotte Card (Hàn Quốc). Mcredit của MB chính thức chuyển từ 1 thành viên sang liên doanh 2 thành viên trở lên, với MB nắm 50% vốn, Shinsei giữ 49% và công ty Xuân Thành sở hữu 1%. HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của HDFinance cho Credit Saison (Nhật Bản) và đổi tên thành HD Saison hiện nay.
Mới đây, SeABank hoàn tất mua lại Công ty Tài chính Bưu điện với mức giá 710 tỷ đồng. Trong khi đó, dù đã có thâm niên hoạt động hơn 10 năm tại thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, Prudential Finance vẫn quyết định bán lại cho Tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc), với giá gần 151 triệu USD.
Dự báo, hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục diễn ra.
Song khi tăng trưởng quá nóng, dự báo sẽ có những hệ lụy xảy ra, nhất là rủi ro về nợ xấu. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng.
Theo đó, tổ chức tín dụng phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay theo quy định của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN.