Nhiều thương vụ bất thành
Liên quan đến thương vụ sáp nhập PGBank vào VietinBank, trong các đại hội đồng cổ đông thường niên của cả hai ngân hàng những năm trước, kế hoạch này đã được thông qua, song kết quả không như mong đợi. Tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4/2018, VietinBank đã báo cáo cổ đông việc chấm dứt kế hoạch sáp nhập PGBank. Theo VietinBank, do quá trình đàm phán kéo dài, thị trường thay đổi nhanh, nên hai bên không đi đến được sự đồng thuận.
Sau khi M&A bất thành với VietinBank, PGBank đã thông qua phương án nhận sáp nhập vào HDBank tại Đại hội đồng cổ đông ngày 21/4/2018, với tỷ lệ hoán đổi 1:0,621. Phương án nhận sáp nhập PGBank được HDBank giữ bí mật tới phút cuối mới thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông cùng ngày với PGBank.
Trước đó, thương vụ Saigonbank – Vietcombank được đồn đoán vào năm 2015 và tưởng chừng nhanh chóng hoàn tất khi đã được chấp thuận về chủ trương. Thế nhưng, cặp đôi đã sớm chia tay, khi cổ đông lớn của Saigonbank là UBND TP.HCM không đồng ý sáp nhập, cho dù lãnh đạo Saigonbank hiện nay đều đến từ Vietcombank.
Sau thương vụ bất thành nói trên, Saigonbank cho biết, sẽ tự tái cấu trúc, nhưng đến nay vẫn chưa thể tăng vốn điều lệ lên trên mức hơn 3.000 tỷ đồng hiện tại. Theo nhận định của giới phân tích, nếu không tiến hành M&A, thì Saigonbank khó có thể đứng vững.
Thời điểm này, mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã đi qua, song Saigonbank chưa thể tiến hành Đại hội đồng cổ đông. Dự kiến, sự kiện sẽ diễn ra trong tháng 6, nhưng các thông tin liên quan vẫn chưa được tiết lộ. Trong khi đó, xuất hiện thông tin rằng, ngân hàng này đang tính đến chuyện M&A vào một ngân hàng lớn khác.
Trước khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (tháng 8/2015), có thông tin DongA Bank và ABBank sẽ sớm thực hiện M&A. Tuy nhiên, khi kế hoạch trên chưa kịp được thực hiện, thì DongA Bank đã rơi vào diện kiểm soát đặc biệt. Và không chỉ ABBank rút lui, mà thông tin Tập đoàn Kinh Đô rót thêm 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank cũng nhanh chóng biến mất.
Khó về chung nhà
Eximbank và Sacombank đã có một ký kết hợp tác toàn diện vào đầu năm 2013. Chia sẻ về kế hoạch sáp nhập Sacombank và Eximbank, Chủ tịch HĐQT Eximbank thời điểm đó là ông Lê Hùng Dũng cho biết, ban đầu chỉ định đầu tư vào Sacombank như đã từng làm với một số ngân hàng khác với mục đích kiếm lợi nhuận, nhưng sau thấy “cần ở lại lâu hơn” vì có một số vấn đề.
Song thương vụ M&A trên đã chóng tàn, bởi không ít người đặt câu hỏi: sáp nhập Eximbank và Sacombank để tăng sức cạnh tranh, hay chủ yếu nhằm thâu tóm quyền lực và lợi ích nhóm như đã thâu tóm Sacombank? Đầu năm nay, Eximbank đã thoái hết hơn 7% vốn tại Sacombank theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Thông tin Nam A Bank và Eximbank về chung nhà đã được đồn đoán từ giữa năm 2014, nhất là khi 2 ứng viên ứng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 – 2020 cùng thôi nhiệm tại Nam A Bank để ứng cử và đại diện cho hơn 10% cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank.
Song cuối cùng, Nam A Bank đi tiếp con đường tự tái cơ cấu theo kế hoạch đã được phê duyệt và không có kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác, gồm cả với Eximbank. Mới đây, thị trường lại dấy lên thông tin xoay quanh thương vụ M&A nói trên khi bà Lương Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bầu vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2018 – 2020.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính – kinh tế cho rằng, với chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, đã có không ít ngân hàng yếu kém phải M&A như Ficombank, TinNghiaBank, DaiABank, SouthernBank, Habubank, Mekongbank và cả MHB. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngành vẫn chưa kết thúc và làn sóng M&A sẽ tiếp tục khi một số ngân hàng nhỏ khó nâng cao năng lực tài chính.