Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư, chính trị ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Lượng vốn FDI đang không ngừng gia tăng trong những năm qua.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn trong 7 tháng đầu năm đạt 18,15 tỷ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đứng thứ 2 về thu hút FDI với 5.003,1 triệu USD.
Không chỉ vậy, thị trường BĐS Việt Nam những tháng đầu năm 2018 tiếp tục sôi động với hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thuộc phân khúc nhà ở, thương mại và công nghiệp. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến với các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế về khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm, hợp tác cùng với doanh nghiệp trong nước – những nhà đầu tư đang nắm giữ quyền sử dụng đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty JLL cho thấy, năm 2018 đã khởi đầu với giao dịch tòa nhà văn phòng Sun Wah thực hiện bởi Nomura Real Estate Development. Theo đó, Nomura đã công bố chính thức mua lại 24% cổ phần của tòa nhà văn phòng hạng A có vị trí đắc địa ở quận 1. Sau dự án Phú Mỹ Hưng Midtown tại quận 7, tòa nhà Sun Wah là dự án thứ hai của Nomura tại Việt Nam và cũng là dự án văn phòng đầu tiên của tập đoàn này. Thương vụ này chứng minh sự quan tâm mạnh mẽ và cam kết lâu dài của Nomura đối với thị trường trong nước.
Trên thực tế thị trường, phân khúc nhà ở tiếp tục sôi động với 5 giao dịch M&A chính trong những tháng đầu năm. Cụ thể, hồi tháng 3 CapitaLand công bố công ty con của tập đoàn là CVH Nereus Pte. Ltd. đã mua lại 16,9 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 99,5% vốn điều lệ của CTCP Hiền Đức Tây Hồ, khoảng 685 tỷ đồng (tương đương 29,8 triệu USD) nhằm phát triển dự án phức hợp với chức năng nhà ở, căn hộ kết hợp văn phòng, văn phòng và khối đế bán lẻ.
Tiếp đó, vào tháng 4/2018, Frasers Property đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần có điều kiện với Công ty TNHH Trần Thái với 24 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 75% vốn cổ phần của CTCP Địa ốc Phú An Khang. Thương vụ được đề xuất mua lại với giá hơn 408 tỷ đồng (tương đương 18 triệu USD).
Ngoài ra phải kể đến một thương vụ M&A khác là Berjaya Land Berhad của Malaysia công bố công ty con của họ, Berjaya Leisure (Cayman) Limited đã thoái toàn bộ 32,5% số vốn góp vào Berjaya Việt Nam Financial Center Limite cho CTCP Vinhomes và Tổng công ty Du lịch Cần Giờ với khoản chi phí được cân nhắc gần 885 tỷ đồng (tương đương 38,4 triệu USD). Theo thông tin mới nhất, công ty này đang phát triển các dự án bao gồm tòa nhà văn phòng, khách sạn 5 sao, khu dịch vụ và trung tâm mua sắm trên mảnh đất rộng 6,64 ha tại quận 10, TP.HCM.
Hiện các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Quốc đang dẫn đầu về hoạt động ở khắp các phân khúc tại thị trường BĐS Việt Nam. Thông qua việc hợp tác với các nhà phát triển trong nước, danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng mở rộng. Trong tương lai, đây vẫn là xu hướng chủ đạo giúp thị trường địa ốc có nhiều nguồn vốn để phát triển hơn. Các chuyên gia lĩnh vực BĐS đánh giá, hoạt động M&A sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới do thị trường vẫn trong chu kỳ tăng trưởng, lượng hàng tồn kho vẫn còn rất lớn và sự tác động từ chính sách khiến các doanh nghiệp có xu hướng bắt tay với nhau.
Bà Nguyễn Khanh, Giám Đốc thị trường vốn tại Việt Nam, Công ty JLL cho biết, nhìn vào bức tranh toàn cảnh thị trường cho thấy sự tăng trưởng liên tục ở tất cả các loại hình BĐS. Phân khúc khách sạn khá sôi nổi trong năm qua với việc các quỹ đầu tư nước ngoài mới quan tâm đặc biệt vào lĩnh vực này. Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục, cũng như trong các lĩnh vực đang phát triển khác như công nghiệp, giáo dục.
Bên cạnh đó, thị trường nhà ở bình dân cũng là một lĩnh vực phát triển quan trọng, hiện đang thu hút các nguồn vốn chuyên biệt dựa trên các nền tảng cơ bản như sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Thời gian tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ vào thị trường BĐS đang phát triển ở Việt Nam.
“Những giao dịch đầu tư trong nửa đầu năm 2018 khá đa dạng với nhiều loại tài sản và loại hình BĐS. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và tiềm năng đang tích cực săn lùng các dự án “sạch” và có tính chất pháp lý rõ ràng có thể đáp ứng các điều kiện và lợi nhuận cần thiết. Do sự tập trung mạnh mẽ vào Việt Nam từ các nhà đầu tư trong khu vực kỳ vọng các hoạt động M&A sẽ xác lập mức kỷ lục mới trong năm 2018”, bà Khanh phân tích.