M&A, “khẩu vị” ưa thích của các “ông lớn”
Đó là xu hướng nổi bật mà phóng viên Báo Đầu tư tìm hiểu được từ hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua. Điển hình như vụ chuyển nhượng Dự án 36 Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đây là dự án khá lớn, có diện tích gần 3.600 m2, cao 35 tầng, kế đến là Dự án tại khu đất 265 Cầu Giấy, Hà Nội, sau 5 năm đã đổi chủ sang Tập đoàn FLC.
Tương tự, có thể liệt kê những thương vụ “đình đám” khác như Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD) bỏ ra gần 10.000 tỷ đồng để mua lại Vincom Centre A của “ông lớn” Vingroup; VinaCapital bán lại Khách sạn Legend Saigon, Sheraton Nha Trang và Movenpick Saigon; Novaland bỏ ra hơn 3.000 tỷ đồng để thâu tóm 3 dự án bất động sản tại TP.HCM; hay việc một tập đoàn tư nhân trong nước mua lại Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay tại Khánh Hòa.
Sau nhiều lần bắt tay với các nhà đầu tư Nhật, Tập đoàn Nam Long tiếp tục hợp tác với hai nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad để phát triển dự án Akari City có diện tích 8,5 ha quận Bình Tân, TP.HCM. Theo thỏa thuận, Nam Long sẽ góp 50% trên toàn bộ chi phí đầu tư và phát triển của dự án Akari City.
Ở một thương vụ khác, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Xuân Mai Sài Gòn (thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai) mới nhận chuyển nhượng dự án khu dân cư Tân Thuận Tây, phường Tân Thuận và Bình Thuận tại quận 7, TP.HCM (ngoại trừ các khu tái định cư)
Theo nhận định của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam: “Trên thị trường bất động sản, làn sóng M&A dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ nhờ chính sách mở cửa, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho các nhà đầu tư ngoại gia nhập, đi cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.
Và đương nhiên sẽ không vắng mặt các “ông lớn” trên thị trường hiện nay. Trong tương lai, M&A vẫn là xu hướng chính trên thị trường bất động sản Việt Nam”.
Đã mạnh, càng mạnh hơn
Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group, nếu xin hồ sơ lập dự án mới ở Phú Quốc, chắc chắn CEO Group sẽ không có “cửa”. May mắn là khi CEO Group quyết định mở rộng đầu tư vào địa phương này từ năm 2010, ông Bình đã kết nối được với các cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Quốc.
Doanh nghiệp này sở hữu 2 dự án gồm khu nghỉ dưỡng rộng gần 80 ha ở Bãi Trường và khu sân golf ở xã An Thới rộng 150 ha, nhưng các cổ đông là Việt kiều lúc đó không đủ tiềm lực tài chính để triển khai và buộc phải bán lại dự án cho CEO Group.
Theo nhận định của giới chuyên gia, đây được xem là tín hiệu thông báo sự mở rộng thị trường và lớn mạnh của “ông lớn” này bởi trước đó, CEO Group chỉ tập trung đầu tư và kinh doanh bất động sản ở Hà Nội, với một số dự án như Tháp văn phòng CEO Tower, Khu đô thị Sunny Garden City và Khu đô thị mới Chi Đông.
Đáng lưu ý, giới chuyên gia cũng nhìn nhận về xu hướng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh trên thị trường.
Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, xu hướng “bắt tay” của các “ông lớn” bất động sản không phải là câu chuyện mới tại Việt Nam, giúp tận dụng và phát huy thế mạnh của các bên để tạo nên nhiều điểm nhấn cho kiến trúc đô thị và gia tăng giá trị cho khách hàng.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng thừa nhận, từ những “cái bắt tay” như vậy trên thị trường đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển bất động sản trong nước lớn dần cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng để dẫn dắt thị trường và hợp tác bình đẳng với bên nước ngoài.
Nói về xu hướng bắt tay nhau giữa các “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills cho rằng, sự xích lại gần nhau giữa các “ông lớn” trong ngành bất động sản là xu hướng rất tốt, phát huy thế mạnh của nhau, trong điều kiện hỗ trợ nhau tạo ra sự thúc đẩy phát triển cộng hưởng.
Đây là xu hướng các chủ đầu tư nên tính toán và sẽ làm thị trường phát triển tốt hơn. Xu hướng này sẽ khá nhộn nhịp trên thị trường thời gian tới. Đơn cử, Dự án Kosmo Tây Hồ – trái ngọt trong mối “lương duyên” giữa Refico, Newtatco và Coteccons.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến Tập đoàn FLC khi từ năm 2013 đến nay, đơn vị này vẫn chủ trương tìm kiếm cơ hội mua vào các dự án bất động sản giá rẻ, tính khả thi cao để triển khai, và thực tế, hoạt động M&A của FLC rất thành công, góp phần tăng quỹ dự án bất động sản, đẩy vị trí của tập đoàn này lên vị trí nhà phát triển dự án hàng đầu Việt Nam.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, sau khi M&A các dự án, FLC đã khai thác, triển khai quỹ dự án này một cách hiệu quả. Ví dụ như năm 2014, FLC mua 3 dự án. Một là Khu đô thị Alaska Garden City tại Đại Mỗ – Nam Từ Liêm, nay là FLC Garden City.
Hai là tòa Ion Complex Tower tại 36 Phạm Hùng, đã triển khai xây dựng thành FLC Complex. Dự án thứ ba là The Lavender tại 418 Quang Trung được phát triển dưới tên gọi mới FLC Star Tower. Cả ba dự án đều đã hoàn thiện và đón cư dân về sinh sống. Giá các sản phẩm ở ba dự án này đã tăng gần 30% so với ban đầu.
Cùng đón “luồng gió” M&A, Công ty địa ốc Phú Long của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã thay Posco E&C (Hàn Quốc) trở thành cổ đông nắm giữ 50% vốn của Liên doanh An Khánh JVC, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Splendora.
Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất được quy hoạch và đầu tư tại phía Tây Thủ đô, với tổng diện tích hơn 264ha và số vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.
Vào cuối năm 2017, Tập đoàn Anpha Holdings cũng hoàn tất thương vụ thâu tóm 99,98% cổ phần Công ty cổ phần Địa ốc Nova Galaxy từ Tập đoàn Novaland.
Công ty cổ phần Địa ốc Nova Galaxy (có vốn điều lệ 500 tỷ đồng), là chủ đầu tư của dự án Galaxy 9 tại đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM. Công trình được xây dựng trên diện tích đất 6.227 m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 51.590 m2 với khoảng 500 căn hộ.
Được biết, Nova Galaxy đi vào hoạt động từ tháng 6/2010, đến nay đã hoạt động được 7 năm và là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, Anpha Holdings định vị là tập đoàn đầu tư quốc tế tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại thị trường ASEAN. Dự kiến vào thời gian tới, kết hợp cùng các Tập đoàn bất động sản Úc giới thiệu đến nhà đầu tư Việt Nam cùng lúc hơn 20 dự án hàng đầu tại Melbourne và Sydney.
Tại Việt Nam, bên cạnh các dự án đã phát triển, Tập đoàn này chuẩn bị ra mắt dự án SIMCity Premier Homes tại quận 9, TP. Hồ Chí Minh.
Một nhà đầu tư khác đến từ Nhật Bản là Nomura Real Estate đã thâu tóm 24% giá trị tòa nhà Sunwah Tower, tại quận 1, TP.HCM.
Trong khi đó, Frasers Property (Australia) chi 18 tỷ USD mua lại 75% cổ phần của Phú An Khang, Công ty con của Tập đoàn Trần Thái; Strategic Hospitality Reit (Thái Lan) thâu tóm 2 dự án Capri by Fraser và BIS Nam Sài Gòn tại quận 7, TP.HCM.
“Với nhiều yếu tố thuận lợi, dự báo quy mô các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản năm 2018 sẽ tương đương năm 2017 (2 tỷ USD) hoặc có thể hơn”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Vietnam nhận định.