Cách đây đúng 1 năm, nhiều dự báo chuyên môn dù rất lạc quan cũng khó có thể đưa ra viễn cảnh về sự bùng nổ mạnh mẽ của các thương vụ M&A trong năm 2017, với tổng giá trị thương vụ lên tới 10,2 tỷ USD, tăng 175% so với năm 2016.
Đó là con số kỷ lục, vượt xa mọi dự báo, cho dù tại thời điểm Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 được tổ chức, các chuyên gia đều đã hình dung về một làn sóng M&A thứ hai trong giai đoạn 2014-2018. Tuy nhiên, để có thể đạt mốc 10 tỷ USD ổn định thì cần có sự nỗ lực lớn hơn.
Đó là những thông tin được các chuyên gia chia sẻ trong buổi họp báo ngày 24/7 giới thiệu Diễn đàn M&A 2018 với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới” dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 tới, do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM tổ chức.
Nhà đầu tư ngoại vẫn dẫn dắt thị trường
Phó trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam, chỉ ra sự đột biến trong bức tranh M&A 2017 từ thương vụ ThaiBev-Sabeco. Với giá trị 4,8 tỷ USD, thương vụ này chiếm gần 50% tổng thương vụ của năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ tại Việt Nam năm 2016.
Đó cũng là thương vụ đưa giá trị M&A của Việt Nam tương đương với các thị trường trung bình trong khu vực như Malaysia 11,73 tỷ USD, Indonesia 10,76 tỷ USD…
Đồng tình rằng, sự thành công của thương vụ này là một bước ngoặt lớn, nhưng nhiều nhà quan sát nhận định, chỉ riêng thương vụ này thì chưa đem lại sự lạc quan cho toàn bộ quy mô thị trường. Bởi nếu loại trừ sự đột biến về giá trị từ thương vụ này thì quy mô thị trường vẫn ở mức trung bình khá, với khó khăn và hạn chế vẫn đang còn tồn tại trong một vài năm qua.
Nhìn lại 10 năm chặng đường M&A tại Việt Nam với trên 4.000 thương vụ và tổng giá trị đạt 48,9 tỷ USD, riêng năm 2017, giá trị thương vụ M&A của Singapore đạt 78,6 tỷ USD.
Một điểm đáng chú ý khác là hơn 90% các thương vụ là giao dịch nhỏ với quy mô 5-6 triệu USD, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp trong các thương vụ có quy mô vừa và lớn từ 20 – 100 triệu USD. Những thương vụ siêu lớn đã xuất hiện với 1-2 thương vụ/năm nhưng đóng góp một tỷ trọng đáng kể vào kết quả M&A của thị trường.
Báo cáo của Nhóm nghiên cứu MAF mà ông Minh công bố cũng cho thấy, yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong những năm qua là làn sóng đầu tư và tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực với 4 quốc gia điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thái Lan vẫn tiếp tục đứng đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt Nam trong năm 2017 với thương vụ ThaiBev – Sabeco.
Báo cáo của Nhóm nghiên cứu MAF cũng chỉ ra sự chuyển dịch đầu tư từ bán lẻ năm 2016 với việc mua lại các chuỗi phân phối sang sản xuất hàng tiêu dùng năm 2017 với 57% các thương vụ tập trung vào lĩnh vực này. Tiếp theo là ngành bất động sản 27%, tài chính – ngân hàng 4%.
Bước ngoặt mới chờ “cú huých” mạnh
Tiếp cận và mở rộng thị trường vẫn là mục tiêu của các thương vụ M&A trong giai đoạn 2017-2018 tại thị trường Việt Nam, được đánh giá là hấp dẫn với dân số sớm cán mốc 100 triệu cùng tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng.
Các chuyên gia dự báo nhà đầu từ nước ngoài vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường M&A với dự báo tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2018 cũng đã ghi nhận bất động sản đang chiếm ưu thế với 66,75% giá trị các thương vụ. Đáng nói là sự trở lại của các thương vụ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, chiếm 19,06% giá trị. Dịch vụ tài chính cho 100 triệu dân cũng là động lực để Warburg Pincus và GIC đầu tư hàng trăm triệu USD vào Techcombank và ShinhanBank mua lại mảng bán lẻ của ANZ cũng như mua lại công ty tài chính Prudential Việt Nam.
“Nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn cơ hội, chẳng hạn như BIDV hay một số ngân hàng khác vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược. Các công ty tài chính, hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường”, theo ông Đặng Xuân Minh.
“Chúng tôi dự báo giá trị M&A năm 2018 có thể chưa thực hiện được những thương vụ lớn như Sabeco, tuy nhiên, có thể thị trường sẽ đạt mốc tăng trưởng so với 2017 – không có Sabeco”, ông Đặng Xuân Minh đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Với kịch bản trên, giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 6 tỷ USD (tương đương tăng 15,3% so với 2017 – không có Sabeco, bằng 58,8% so với giá trị M&A 2017 – có Sabeco). Trong trung hạn, quy mô thị trường M&A của Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6-6,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, mốc 10 tỷ USD ổn định vẫn là điều mà các chuyên gia kỳ vọng. “Như người ta thường nói, kỷ lục được sinh ra là để phá bỏ và điều đó không phải là không có cơ sở. Sự bùng nổ các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được châm ngòi bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân… đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam, với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ”, ông Lê Trọng Minh chia sẻ.
Nhưng nhiều thách thức cũng đang đến từ bên ngoài như sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, đặc biệt là Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây…