Tận dụng nội lực R&D
Nuticafé – cà phê sữa đá tươi là sản phẩm đầu tiên đánh dấu việc chính thức đặt chân vào thị trường cà phê tinh chế vốn tiềm năng nhưng cũng đầy thử thách của NutiFood.
Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị NutiFood, thừa nhận thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam hiện có cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn, lâu năm cả trong và ngoài nước. Điều này là áp lực lớn với thương hiệu mới, nên ngay từ đầu công ty đã chọn cách đi riêng, tận dụng lợi thế của công nghệ mới và nội lực R&D.
Dòng thức uống mới ra đời thừa hưởng những lợi thế lớn của NutiFood với thế mạnh về R&D và nhà máy công nghệ hiện đại để phát triển các sản phẩm chế biến sâu, độc đáo, cùng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ. Từ đó tạo đà cho việc phát triển ngành kinh doanh mới và làm thương hiệu cà phê Việt ở thị trường quốc tế.
“Cà phê muốn ngon phải ngon từ hạt”, NutiFood bắt đầu triết lý đó từ việc đầu tư vào công ty Phước An – đơn vị quản lý nông trường CADA – để sở hữu nguồn nguyên liệu chất lượng theo chuẩn UTZ (chuẩn quốc tế về truy nguyên nguồn gốc sản phẩm) và đảm bảo chuẩn mực sản phẩm khi ra thị trường. Theo ông Hải, việc đầu tư nhằm đáp ứng xu hướng tất yếu của người dùng là hướng đến sản phẩm cà phê sạch, không độc hại, có nguồn gốc xuất xứ từ thương hiệu tin cậy. Đồng thời thức uống này cũng phải đúng gout thưởng thức và đáp ứng sự tiện dụng của nhịp sống công nghiệp.
NutiFood đã đầu tư công nghệ mới nhất hiện nay trong chế biến cà phê (Ice Flash) giúp trích ly cô đặc cà phê với nhiệt độ dưới 0°C, giữ lại vị tươi và mùi thơm tự nhiên của cà phê rang xay. Đội ngũ R&D của công ty cũng dày công tìm ra công thức riêng để tạo gout cà phê hòa tan nhưng vị ngon tương tự như ly cà phê sữa đá pha phin truyền thống Việt Nam. Tất cả tiêu chuẩn áp dụng cho sữa (sản phẩm có chuẩn quản lý chất lượng rất ngặt nghèo) đều được đưa vào quy trình chế biến và quản lý chất lượng của Nuticafé.
Ông Hải chia sẻ, những nỗ lực ấy được thực hiện với hy vọng đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế về một sản phẩm chất lượng, đảm bảo vị tươi ngon, thuận tiện trong thời đại công nghiệp. Với vị trí số một trong ngành sữa đặc trị, NutiFood từ đơn vị cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho mỗi gia đình Việt đã bước ra thế giới. Trong ngành cà phê, công ty cũng ấp ủ tham vọng mang tinh hoa của ẩm thực Việt vươn rộng ra thị trường toàn cầu.
Mang ẩm thực Việt ra thế giới
Không chỉ muốn bán cà phê, đơn vị này còn ấp ủ mục tiêu quảng bá văn hóa cà phê sữa đá – nét ẩm thực đặc sắc đến với thế giới. Ngay khi ra mắt NutiFood đã ký kết hợp tác với Liên đoàn Vovinam Thế giới và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, thực hiện chương trình quảng bá văn hóa cà phê sữa đá. Thông qua việc ký kết này, NutiFood thể hiện vai trò là đối tác chiến lược với nhiều hiệp hội và tổ chức để quảng bá văn hóa, món ăn Việt Nam ra thế giới.
Các chuyên gia ẩm thực đánh giá điểm thuận lợi nhất trong chiến lược quảng bá đến từ nền văn hóa, ẩm thực phong phú của Việt Nam. Mọi khách du lịch đều mong muốn trải nghiệm, khám phá vùng đất mới thông qua giá trị văn hóa, ẩm thực đặc trưng.
Nuticafé có thể kết hợp cùng bánh mì, phở, bún chả…Vì vậy, cà phê sữa đá tươi sẽ góp phần tạo nên nền ẩm thực phong phú. Thức uống này đã nhiều lần được vinh danh trên các tạp chí nước ngoài như: Bloomberg bình chọn trong Top 10 món cà phê độc đáo nhất thế giới, CNN gợi ý bất cứ du khách nào đến Việt Nam cũng nên thưởng thức cà phê sữa đá đầu tiên.
Tuy nhiên, sản phẩm này chưa được thế giới biết đến nhiều do cách pha chế và thưởng thức rất đặc thù, NutiFood muốn cà phê sữa đá Việt được lan toả, qua đó góp phần quảng bá Việt Nam cho bạn bè năm châu. Vì vậy, theo ông Hải, công ty đã chọn một hướng tiếp cận như lời khuyên của Giáo sư Philip Kotler – chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới: “Hãy biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới”.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá ẩm thực Việt Nam, hệ động thực vật và nông thủy hải sản vô cùng phong phú đã tạo cho nước ta nền ẩm thực đa dạng. Là nơi giao thoa của nhiều nền ẩm thực, người Việt còn giỏi chế biến để nâng tầm những món ăn từ du nhập từ ngoài vào.
Ông Kỳ so sánh, bánh mì do người Pháp mang vào nhưng ngày nay ổ bánh mì Pháp trở thành món ăn nổi tiếng Việt Nam và quay lại chinh phục thế giới. Ở xứ lạnh người ta vẫn thưởng thức cà phê đá, nó không chỉ là một món uống có caffein mà còn chứa đựng tinh hoa ẩm thực Việt Nam.
Vị chủ tịch này phân tích thêm, hiện tại các nhà hàng món Việt có mặt tại 110 quốc gia với khoảng 150.000 nhà hàng, quán ăn. Hệ thống này có thể trở thành kênh quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam lên bản đồ ẩm thực thế giới. “Các doanh nghiệp đừng ngại không tiêu thụ được những sản phẩm đậm nét ẩm thực Việt ở nước ngoài, chỉ cần cách tiếp cận thị trường đúng, có chiến lược quảng bá tốt sẽ thành công”, ông Kỳ khuyến nghị.