Giá bán cao su năm 2018 có xu hướng biến động trong biên độ hẹp, vườn cây cao su già phải tiếp tục thanh lý, tình trạng thiếu lao động, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, bệnh phấn trắng trên vườn cây khai thác sẽ là những nguyên nhân ảnh hưởng đến sản lượng khai thác cao su, doanh thu và lợi nhuận của PHR. Theo đó, PHR đặt mục tiêu doanh thu 1.606 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 400,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2017. Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, đây có thể là lý do khiến cổ phiếu PHR giảm khá mạnh trong thời gian qua.
Trong quý I/2018, PHR ghi nhận doanh thu đạt 268 tỷ đồng, giảm mạnh tới 35% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay giảm được 3,5 tỷ đồng, xuống còn 5,9 tỷ đồng. Nợ phải trả đến cuối quý I còn trên 1.706 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm gần 150 tỷ đồng, xuống còn 315 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng 56 tỷ đồng, lên mức 294 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phần lãi nhận về từ công ty liên doanh liên kết tăng 4,4 tỷ đồng, lên mức 10,7 tỷ đồng – đây là khoản lãi nhận về từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Khoản thu nhập khác ghi nhận từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định trong quý I đạt gần 66 tỷ đồng, tăng hơn 28 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu giảm mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế quý I/2018 của PHR cũng đạt 113,7 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ, và hoàn thành 28% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế đạt 93,46 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt trên 92,4 tỷ đồng.
Theo một báo cáo được công bố đầu tháng 3/2018, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo doanh thu năm 2018 của PHR đạt 1.762 tỷ đồng, tăng 6,5% cùng kỳ năm trước. Đồng thời, PHR sẽ có lợi nhuận khác khoảng 665 tỷ từ thu hoạch gỗ cây cao su và chuyển đổi đất thành khu công nghiệp giúp lợi nhuận trước thuế ước đạt 608 tỷ đồng, tăng 86% cùng kỳ năm trước.
VCSC cho biết hiện số lượng cây cao su bước vào cuối thời kỳ khai thác (trên 26 năm) của PHR chiếm 19% diện tích trồng, cộng thêm yếu tố thị trường gỗ tiếp tục được thắt chặt nên PHR có thể hưởng lợi từ thanh lý vườn cây. Trong giai đoạn 2018-2021, công ty sẽ thanh lý khoảng 1.000-1.200 ha cây cao su.
Ngoài ra, PHR có quỹ đất lớn để mở rộng khu công nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2005-2017, công ty đã chuyển đổi 1.000 ha diện tích cao su thành 2 khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Tân Bình. Với dòng vốn FDI mạnh, PHR dự kiến sẽ tiếp tục chuyển đổi 1.000-2.000 ha diện tích đất thành các khu công nghiệp giai đoạn 2018-2020.
VCSC cho biết các điều khoản cơ bản của dự án đã được chấp thuận, trong đó PHR sẽ giao 355 ha đất cho CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) và 691 ha đất cho Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) với giá lần lượt 950 triệu đồng/ha và 1 tỷ đồng/ha. Đối với dự án VSIP, PHR sẽ nhận được 20% lợi nhuận hàng năm của khu công nghiệp này. Ngoài ra, PHR cũng hợp tác với Thành Thành Công Group thuê đất trồng mía, sau 3 năm Thành Thành Công sẽ trả lại đất cho công ty để tái canh.