Nhà đầu tư trên cho biết, cơ chế giao dịch chứng khoán phái sinh quá hấp dẫn, khiến anh liên tục mua – bán trong phiên nhằm hưởng chênh lệch giá, nhưng tổng kết lại, càng giao dịch, càng lỗ. Phí giao dịch tại công ty chứng khoán nơi anh mở tài khoản là 12.000 đồng/hợp đồng, thuế thu nhập từ chuyển nhượng hợp đồng hiện tại khoảng 6.000 đồng/hợp đồng.
Mỗi thương vụ mua – bán, nếu không lãi hơn 36.000 đồng/hợp đồng, tương đương giá hợp đồng tương lai tăng 0,4 điểm trở lên trong trường hợp mở vị thế mua, giảm 0,4 điểm trở lên trong trường hợp mở vị thế bán (mỗi điểm tương đương 100.000 đồng), thì nhà đầu tư sẽ thua lỗ.
“Tôi chỉ dành một phần nhỏ ngân sách để đầu tư chứng khoán phái sinh, nhưng thuế và phí nhiều phiên lên tới hàng triệu đồng. Lãi thì tiền trăm, lỗ thì tiền triệu. Không thích hợp lướt sóng chứng khoán phái sinh, nhưng tôi không dứt ra được. Càng lỗ, tôi càng lướt sóng nhiều nhằm gỡ lại. Những khoản lãi tuy nhỏ nhưng khiến tôi phấn khích và hiện thực hóa lợi nhuận ngay. Tuy nhiên, một khoản thua lỗ do thị trường biến động ngoài dự đoán là thổi bay thành quả”, nhà đầu tư nói.
“Dự đoán sai diễn biến chỉ số VN30 cũng như giá hợp đồng tương lai là cầm chắc thua lỗ. Đôi khi dự đoán đúng cũng lỗ, vì diễn biến giá chứng khoán phái sinh không phải lúc nào cũng cùng chiều với chỉ số. Giá biến động liên tục trong phiên, chỉ cần ra quyết định mua – bán sai, hoặc sai thời điểm một vài giây là đối diện với nguy cơ thua lỗ. Điểm hạn chế lớn nhất của tôi là cắt lỗ quá muộn. Biết thế, nhưng rất khó để hạ quyết tâm cắt lỗ”, nhà đầu tư thường xuyên thua lỗ chia sẻ.
Một nhà đầu tư khác cho hay, anh từng có thời gian dài dán mắt vào các con số nhảy múa trên bảng điện và không ít lần rơi vào trường hợp, nếu giữ nguyên vị thế thì lãi, nhưng cuối cùng lại lỗ do liên tục mua vào, bán ra trong phiên, trong đó chốt lời thì ít mà cắt lỗ thì nhiều.
Lướt sóng trong phiên khó thành công vì tâm lý bị ảnh hưởng ghê gớm trước biến động rất nhanh của giá, trong khi diễn biến giao dịch trên thị trường không phiên nào giống phiên nào, khiến nhà đầu tư “hoa mắt, chóng mặt”, dẫn đến quyết định giao dịch không hợp lý.
Chẳng hạn, chỉ số tăng, tưởng chừng sẽ tăng tiếp nhưng rồi lại giảm và ngược lại. Hay chỉ số tăng, giá phái sinh tăng, nhưng khi chỉ số giảm, giá phái sinh vẫn tăng. Hoặc chỉ số tăng ít, giá phái sinh tăng nhiều; chỉ số tăng nhiều, nhưng giá phái sinh tăng ít. Đáng chú ý, một số cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số và giá có diễn biến trồi sụt trong phiên, khiến giá phái sinh trồi sụt theo.
Thời gian gần đây, có những lệnh mua – bán với khối lượng lớn, giá phái sinh cũng như chỉ số chứng khoán biến động không mạnh nhưng tần suất nhiều hơn và bất ngờ hơn, ví dụ phiên sáng giảm, phiên chiều tăng, trái ngược với hầu hết dự báo trước đó.
“Tôi nghi ngờ có một bộ phận nhà đầu tư giao dịch đồng thời trên cả hai thị trường, liên tục mua vào, bán ra một số cổ phiếu vốn hóa lớn, qua đó tác động đến chỉ số, họ chấp nhận lỗ trên thị trường cơ sở để kiếm lời trên thị trường phái sinh. Đó không hẳn là hành vi làm giá, nhưng với việc tác động giá trên thị trường cơ sở đúng lúc, nhà đầu tư có thể thu lãi trên thị trường phái sinh. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên cảnh giác”, nhà đầu tư từng có thời gian dài dán mắt vào bảng điện nói.
Nhà đầu tư này chia sẻ: “Giờ đây, tôi chỉ mở vị thế khi có cơ sở rõ nét để nhận định xu hướng thị trường và duy trì vị thế cho đến khi có lãi. Thành công có, thất bại có, nhưng kết quả khả quan hơn so với liên tục lướt sóng trong phiên. Khi lãi thì hầu như không quan tâm đến phí và thuế, nhưng khi lỗ thì đây quả thực là những chi phí không nhỏ. Phần lớn khoản lỗ trước đây của tôi đến từ phí và thuế”.
Chuyên viên môi giới tại một công ty chứng khoán có nghiệp vụ phái sinh cho biết, một số công ty giảm phí giao dịch xuống 5.000 đồng/hợp đồng nhằm thu hút nhà đầu tư. Mức phí này hiện thấp nhất thị trường, giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch đối với những nhà đầu tư lướt sóng, nhưng khó có thể giúp nhà đầu tư tránh khỏi nguy cơ thua lỗ nếu mải mê lướt sóng và để tâm lý bị ảnh hưởng theo những biến động của chỉ số. Ngay cả bộ phận tự doanh của một số công ty chứng khoán cũng thua lỗ với sản phẩm phái sinh.
“Dịch vụ tư vấn hay các tiện ích của công ty chứng khoán như bản tin phân tích, công cụ giao dịch chỉ hỗ trợ phần nào. Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi giao dịch chứng khoán phái sinh, nhất là khi ham mê lướt sóng. Nhiều nhà đầu tư lớn tại công ty tôi chưa tham gia thị trường phái sinh. Hiện tại, trên thị trường này, hầu hết là nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua – bán trong phiên nhằm hưởng chênh lệch giá, chứ không vì mục đích phòng vệ rủi ro cho danh mục cơ sở. Vả lại, các nhà đầu tư này có vốn ít, danh mục cổ phiếu ít, nên muốn phòng vệ rủi ro bằng công cụ phái sinh cũng không thể được”, vị môi giới nói.
Sau khi Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) nâng tỷ lệ ký quỹ giao dịch chứng khoán phái sinh từ 10% lên 13% (tỷ lệ tiền mặt để giao dịch lớn hơn, tùy quy định của công ty chứng khoán) ngày 18/7/2018, thanh khoản trên thị trường này suy giảm. Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 7 đến ngày 17/7, bình quân mỗi phiên có 148.400 hợp đồng trị giá hơn 14.300 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Trong khi đó, từ ngày 18/7 đến cuối tháng, bình quân mỗi phiên có 106.300 hợp đồng trị giá gần 990 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Tuy giá trị giao dịch mỗi phiên rất lớn, nhưng do tỷ lệ ký quỹ giao dịch ở mức thấp (nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 16 – 18 triệu đồng là có thể mua – bán 1 hợp đồng tương lai có giá trị danh nghĩa 940 triệu đồng, tương ứng với mức giá 940 điểm) và vòng quay đầu tư nhanh (nhà đầu tư có thể mua vào rồi bán ra, hoặc bán ra rồi mua vào liên tục) nên nguồn vốn đầu tư trên thị trường phái sinh không nhiều, chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng (theo VSD, tài sản ký quỹ trên thị trường gần đây dao động quanh mức 1.500 tỷ đồng).
Trong đó, kết thúc mỗi phiên giao dịch, các nhà đầu tư chủ yếu đóng vị thế và giữ tiền mặt, chỉ có khoảng 300 tỷ đồng là bị “ngâm” qua ngày. Con số này thể hiện ở khối lượng hợp đồng mở (OI) thời điểm cuối mỗi ngày giao dịch gần đây tăng lên, nhưng cũng chỉ dao động từ 13.000 – 18.500 hợp đồng (đây là khối lượng chứng khoán phái sinh lưu hành tại thời điểm cuối phiên, chưa được thanh lý hoặc chưa được tất toán).
Trong khi nhiều nhà đầu tư phái sinh thua lỗ thì khối công ty chứng khoán thu được phí giao dịch không nhỏ. Tính riêng tháng 7/2018, tổng cộng có gần 2,844 triệu hợp đồng được giao dịch (giá trị giao dịch danh nghĩa 258.870 tỷ đồng), tính phí của cả người mua và người bán ở mức phổ biến là 10.000 đồng/hợp đồng thì các công ty chứng khoán thu về khoảng 51,5 tỷ đồng. Nhà nước thu được thuế thu nhập từ chuyển nhượng hợp đồng tương lai của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh trong tháng 7 khoảng 30 tỷ đồng.
Theo quy định, thu nhập từ chuyển nhượng hợp đồng tương lai có mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần. Giá chuyển nhượng từng lần = (giá thanh toán hợp đồng x hệ số nhân hợp đồng x số lượng hợp đồng x tỷ lệ ký quỹ ban đầu)/2.
Ví dụ, giá hợp đồng tương lai là 940 điểm, tỷ lệ ký quỹ giao dịch 13%, thì giá chuyển nhượng để tính thuế trong trường hợp chuyển nhượng 1 hợp đồng là: (940 x 100.000 x 1 x 13%)/2 = 6,11 triệu đồng. Như vậy, nhà đầu tư phải nộp thuế mỗi lần chuyển nhượng 1 hợp đồng là: 6,11 triệu đồng x 0,1% = 6.110 đồng.
|