Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng mạnh
Sau cuộc khủng khoảng kinh tế năm 2008, Fed bắt đầu tăng lãi suất USD từ tháng 12/2015 cho đến nay, trong đó tần suất tăng nhanh hơn kể từ năm 2017. Năm 2018, dự kiến tần suất tăng lãi suất của Fed nhanh hơn năm 2017 (từ 3 lần lên 4 lần).
Những tháng gần đây, giá USD có tốc độ tăng mạnh hơn, làm tăng áp lực giảm giá lên nhiều loại hàng hóa như kim loại, cà phê, vàng, dầu, chứng khoán, ngoại tệ, thậm chí cả đồng Bitcoin. Nếu USD tiếp tục tăng giá, đây không phải là tin tốt với các sản phẩm tài chính khác và nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến tiêu cực.
Nhiều quốc gia như Ấn Độ, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia… đã tăng lãi suất khi đồng nội tệ mất giá mạnh so với USD. Ví dụ, cuối tháng 4/2018, Ngân hàng Trung ương Argentina tăng lãi suất từ 27,25%/năm lên 30,25%/năm, đến đầu tháng 5 tăng lãi suất lên 33,25%/năm và sau đó 1 ngày (4/5), tăng tiếp lên 40%/năm. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, Argentina đã có 3 lần tăng lãi suất liên tiếp, với mức tăng 12,75%/năm. Vậy nhưng, sự can thiệp này chưa cho thấy hiệu quả, khi mà đồng peso của Argentina mất giá 22% trong tháng 5, đẩy tốc độ mất giá đến hết tháng 5 lên tới 34%.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngân hàng Trung ương nước này tăng lãi suất từ mức 8%/năm lên 16,5%/năm, nhưng đồng Lia vẫn giảm giá hơn 20% kể từ đầu năm 2018. Đồng Rupiah của Indonesia, đồng Rupees của Ấn Độ… cũng giảm giá mạnh so với USD.
Thực tế, USD tăng giá không những tác động đến thị trường tài chính mà còn tác động đến kinh tế toàn cầu. Việc nhiều quốc gia tăng mạnh lãi suất sẽ làm giảm cung tiền trên thị trường, từ đó tác động xấu tới thị trường tài chính cũng như nền kinh tế. Chính sách của Việt Nam nhiều khả năng phải cân đối việc này và đây là một nhiệm vụ không dễ dàng của các cơ quan điều hành chính sách.
Tỷ giá USD/VND nhiều khả năng vẫn ổn định
Tỷ giá USD/VND trong năm 2018 nhiều khả năng vẫn sẽ ổn định, nhờ chính sách điều hành linh hoạt xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước từ nhiều năm qua. Chẳng hạn, khi tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước mua vào USD, giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay, có lượng dự phòng với thực lực cao hơn trước rất nhiều. Tỷ giá cũng được điều hành linh hoạt thông qua việc công bố hàng ngày, chứ không cố định như nhiều năm trước.
Trước đó, giai đoạn 2015 – 2017, tỷ giá USD/VND hầu như đi ngang, thậm chí còn giảm tại nhiều thời điểm trong từng năm. Lãi suất và tỷ giá USD/VND nhìn chung ổn định bởi nhiều lý do như kinh tế Việt Nam trên đà tăng trưởng, cung cầu ngoại hối ổn định và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, chính sách neo VND vào USD cũng như sự quyết liệt trong điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước giúp tỷ giá ổn định.
Giao dịch chứng khoán thường xuyên: Khối ngoại bán ròng
Trên thị trường chứng khoán, Fed tăng lãi suất khiến USD tăng giá là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khối nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng. Việc khối ngoại bán ròng liên tiếp tác động xấu đến thị trường cũng như tâm lý các nhà đầu tư trong nước, khiến thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh có thêm nhiều doanh nghiệp lên niêm yết.
Dự báo, trong ngắn hạn, điều này sẽ khó thay đổi; bên cạnh đó, chính sách điều hành sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, nhiều khả năng làm hạn chế cung tiền trong thời gian tới.
Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh bán ròng của khối ngoại diễn ra ở cả các thị trường mới nổi và cận biên. Hầu hết các nhóm quỹ ở thị trường mới nổi đều bị rút vốn.
Đặc biệt, nhóm quỹ GEM (Global Emerging Market Fund) có mức rút vốn cao nhất trong 70 tuần tính đến hết tháng 5/2018. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 19 tỷ USD ra khỏi Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.
Tuy vậy, tại Việt Nam, tính chung từ đầu năm 2018 tới giữa tháng 6, vốn ngoại vào ròng ước đạt 2,41 tỷ USD (trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu). Điểm cần lưu ý là dòng tiền này tập trung vào trái phiếu (mua ròng khoảng 1.619 tỷ đồng) và những giao dịch mua thỏa thuận cổ phiếu ở một số doanh nghiệp như Vinhomes, Vincom Retail, Techcombank…, vốn là những khoản đầu tư mang tính chất dài hạn, chứ không phải giao dịch thường xuyên trên thị trường chứng khoán.
Nếu loại trừ những giao dịch này thì khối ngoại bán ròng. Với những giao dịch hàng ngày, động thái bán ròng của khối ngoại vẫn chưa dừng lại, mới nhất là tỷ trọng cổ phiếu của 2 quỹ ETF là FTSE và V.N.M đều giảm trong kỳ tái cơ cấu danh mục giữa tháng 6/2018.
Nhà đầu tư vẫn có cơ hội kiếm lời
Thứ nhất, giá nhiều cổ phiếu blue-chip từ mức đắt đang dần trở nên rẻ hơn, có thể sẽ sớm kích thích nhu cầu mua vào của thị trường. P/E bình quân của thị trường từ thời điểm cao nhất là 21 lần hiện giảm còn 16 – 17 lần.
Thứ hai, nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ sau giai đoạn trầm lắng bắt đầu tăng giá và thanh khoản hơn, là cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư ngắn hạn. Một số cổ phiếu loại này đã có mức tăng tính bằng lần trong thời gian ngắn, chẳng hạn EME.
Thứ ba, thị trường chứng khoán phái sinh thu hút được dòng tiền lớn với thanh khoản ngày càng tăng khi thị trường cơ sở lặng sóng. Trên thị trường này, các nhà đầu tư luôn có cơ hội kiếm được lợi nhuận, dù chỉ số giá chứng khoán cơ sở tăng hay giảm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước trong khu vực, có triển vọng thu hút dòng vốn ngoại và nền kinh tế nhiều khả năng duy trì đà tăng trưởng cao.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018
GDP quý I/2018 tăng 7,4%, mức tăng cao nhất trong một thập kỷ. Đây là tin rất tốt, tiếp tục khẳng định kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng cao. Nhưng điều này cũng dấy lên lo ngại ở một bộ phận nhà đầu tư là tốc độ này khó có thể duy trì, thậm chí giảm dần ở các quý sau. Vì thế, thị trường chứng khoán vốn là phong vũ biểu của nền kinh tế bị ảnh hưởng phần nào từ cuối tháng 3 đến nay.
Với tình hình nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán, dòng vốn mới vào thị trường tài chính và nền kinh tế nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi mà Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới liên tục tăng lãi suất, làm hạn chế cung tiền ngoại hối. Mặc dù chính sách tiền tệ Việt Nam khá linh hoạt trong những năm gần đây, nhưng cũng khó tránh được sự ảnh hưởng nhất định. Vì thế, quý I nhiều khả năng là quý có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong năm 2018.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,5% có khả năng đạt được nhờ chính sách ổn định, điều hành linh hoạt của cơ quan quản lý. Tỷ giá và lãi suất ổn định trong nhiều năm qua và gần đây vẫn giữ vững trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất rất nhanh. Tốc độ tăng trưởng đang trên đà tăng, sẽ khó sụt giảm ngay được. Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý II ước tăng 6,79%, 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước.
Trên bình diện chung, Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục gia tăng thì gần đây có thêm dòng vốn mới đến từ các nhà đầu tư Thái Lan, Malaysia.
Sự kiện Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính vào doanh nghiệp Việt Nam do Maybank Kim Eng phối hợp với VinaCapital tổ chức tại Luân Đôn trong quý I/2018 thu hút gần 100 nhà đầu tư đang quản lý tổng giá trị tài sản hơn 7.000 tỷ USD trên toàn cầu là một minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư tại Vương quốc Anh và châu Âu đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.