Một trong những điểm nhấn của phương án tái cơ cấu là xử lý nợ xấu một cách thực chất và dứt điểm. “Chúng tôi đang và sẽ kiểm soát chất lượng tín dụng, đáp ứng vốn cho các chương trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố. Đây là chủ trương lớn của TPHCM” – ông Vũ Quang Lãm, thành viên Hội đồng Quản trị, hiện đang đảm nhiệm công việc của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, trao đổi với TBKSTG Online.
TBKTSG Online: Khi xác định xử lý nợ xấu một cách dứt điểm, các ngân hàng thường mất thời gian, công sức và gần như phải xem xét lại tốc độ tăng trưởng tín dụng để phân loại và chọn lọc khách hàng. SaigonBank có đang đi theo hướng này không, thưa ông?
Ông Vũ Quang Lãm: Trong nửa đầu năm nay qui mô cho vay cũng như huy động của chúng tôi giảm nhẹ so với cuối năm 2017, nhưng so với cùng kỳ vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định. Cụ thể tổng tài sản là 20.725 tỉ đồng, tăng 5,35% so với sáu tháng đầu năm ngoái; huy động vốn đạt 16.953 tỉ đồng (cả từ dân cư, tổ chức kinh tế và liên ngân hàng), tăng 7,63%; cho vay 13.852 tỉ đồng, tăng 5,7%.
Mặc dù chi phí hoạt động cao hơn, lại đang trong quá trình tái cơ cấu nhưng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn đạt 112 tỉ đồng, bằng 74,66% kế hoạch năm. Chúng tôi đang điều chỉnh lại đối tượng khách hàng vay vốn, kiểm soát chất lượng tín dụng một cách chắc chắn, đồng thời tìm những khách hàng mới.
Nghĩa là SaigonBank đang chú trọng hơn đến người vay? Vì sao vậy?
Khi điều chỉnh đối tượng vay vốn, chúng tôi bắt buộc phải rà soát, đánh giá lại các khoản nợ, từ đó nhận diện khoản nào rủi ro, khoản nào không. Những khoản có rủi ro thì mức độ rủi ro đến độ nào, cần xử lý ra sao. Không phải cứ thấy nợ là hoặc ra sức đòi, hoặc bỏ mặc. Vấn đề là thu hồi được nợ một cách một cách thấu tình đạt lý.
Việc rà soát và đánh giá lại nợ có làm cho nợ xấu thực của ngân hàng tăng lên không, thưa ông?
Trong Báo cáo tài chính hợp nhất đã được soát xét bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học TPHCM (AISC), nợ xấu nội bảng của SaigonBank đến ngày 30-6-2018 là 897 tỉ đồng, chiếm 6,48% tổng dư nợ. Thực chất đây là kết quả tạm thời của việc ngân hàng đang triển khai thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Phương án đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua, giao hội đồng quản trị phê duyệt).
Tỷ lệ nợ xấu như vậy là không hề thấp?
Chủ trương của ban lãnh đạo SaigonBank là tuyệt đối không che giấu nợ. Đây là nợ thật. Chúng tôi chủ động rà soát, tích cực đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ hiện tại, phân loại và hạch toán trung thực. Tôi nhấn mạnh đây là sự hạch toán trung thực và có trung thực mới nhìn nhận đúng bản chất nợ, từ đó có phương hướng, giải pháp tháo gỡ.
Ngân hàng không ngại “vạch áo cho người xem lưng” sao?
Có hai điểm cần phải thừa nhận ở đây. SaigonBank được cơ quan quản lý đánh giá là một ngân hàng lành mạnh. Tuy tỷ lệ nợ xấu tương đối cao, nhưng là tỷ lệ thực và con số tuyệt đối chưa tới 900 tỉ đồng, chỉ bằng một phần rất rất nhỏ so với nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác. Chính vì lẽ đó, Ngân hàng Nhà nước mới thông qua và giao cho hội đồng quản trị phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Nợ xấu nào phát sinh cũng có nguyên nhân. Việc phân loại và đánh giá lại khách hàng vừa qua đã giúp ngân hàng phát hiện ra điểm gì mới chăng?
Có doanh nghiệp khó khăn do đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế chung của thế giới, dòng tiền của họ bị ảnh hưởng. Có những đơn vị kinh doanh vận tải không hiệu quả. Một số công ty đầu tư nông nghiệp như trồng lúa, nuôi cá xuất khẩu, gặp thời tiết không thuận lợi, bị mất mùa, giá cá giảm. Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng bị chiếm dụng vốn, không thu được tiền….
Chúng tôi có những khoản nợ nhóm 2 chuyển thành nợ xấu do khách hàng gặp khó khăn về nguồn thu, không đủ khả năng trả nợ. Thông thường, bằng các thủ thuật kế toán, ngân hàng có thể đảo nợ, nhưng chúng tôi đã không làm vậy. Chúng tôi hạch toán nợ minh bạch.
Tôi muốn nhấn mạnh là hầu hết các khoản nợ xấu của SaigonBank đều có tài sản bảo đảm đầy đủ, có khả năng thu hồi. Vấn đề là để xử lý đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật cần có lộ trình và thời gian nhất định, như cần đảm bảo thủ tục thu giữ tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản, khởi kiện, thi hành án…
SaigonBank đã tiến hành những biện pháp nào để xử lý nợ?
Chúng tôi miễn, giảm lãi nhằm chia sẻ chi phí tài chính để giúp khách hàng có động lực trả nợ. Việc này nói thì đơn giản, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Dẫu thế, chúng tôi vẫn chấp nhận và quyết tâm thực hiện. Một khi ngân hàng thực sự quan tâm đến khách hàng, người vay sẽ tỏ thái độ trả nợ thiện chí hơn. Tôi vẫn nói với anh em nhân viên điều này giống như lùi một bước để tiến hai bước. Nếu cứ khư khư đòi cả gốc, cả lãi, thì một số người vay sẽ không muốn trả, dù họ có khả năng trả một phần.
Ngoài ra, như các ngân hàng khác, chúng tôi khuyến khích khách hàng chủ động bán tài sản để thanh toán nợ; khởi kiện, phát mãi tài sản đối với những khách hàng cố tình chây ỳ, không hợp tác; sử dụng năng lực tài chính như dự phòng rủi ro để giải quyết một số khoản nợ tồn đọng.
Ông vừa đề cập đến “lùi một bước để tiến hai bước”. Ý của ông liệu có liên quan đến tăng cường trích lập dự phòng rủi ro không?
Với nợ xấu, bên cạnh việc tuyệt đối không giấu nợ, chúng tôi tiến hành phân loại nợ đúng qui định và trích lập đầy đủ dự phòng. Đến nay, tổng số dư dự phòng rủi ro của SaigonBank đã hơn 600 tỷ đồng, bằng hơn 67% tổng nợ xấu.
Khách quan mà nói, với tổng nợ xấu chưa đến 900 tỉ đồng mà đã trích lập dự phòng hơn 600 tỉ đồng, nếu sử dụng dự phòng để xử lý thực chất nợ xấu của SaigonBank chỉ còn 300 tỉ đồng. Tôi cho rằng đây là con số nợ xấu thấp trong ngành ngân hàng.
Hơn nữa, các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo nên sau khi xử lý, SaigonBank có thể có thêm thu nhập, hay nói cách khác là hoàn nhập dự phòng. Cơm không ăn, gạo còn đó. SaigonBank vẫn còn là một ngân hàng nhỏ, nhưng “nhỏ mà có võ” hay “bé hạt tiêu”.