Kết thúc tháng 7/2011, TTCK tiếp tục lún sâu vào suy giảm và chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ sớm thoát khỏi đáy để đi lên. Với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, nhà đầu tư đang hết sức chán nản khi chưa thấy động lực để vực dậy chứng khoán trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán (TTCK) đã kết thúc tháng 7 trong không khí rất ảm đạm. Lượng giao dịch bình quân trong tháng 7 trên sàn Hà Nội và TP HCM chỉ đạt gần 42,4 triệu chứng khoán mỗi phiên, chưa bằng một nửa so với thống kê tháng 6. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng, Vn-Index chốt phiên ở 405,7 điểm, giảm 26,84 điểm (6,2%) so với thời điểm kết thúc tháng 6. Mức sụt giảm tương tự cũng được ghi nhận trên sàn Hà Nội khi HNX-Index mất 4,8 điểm và bước sang tháng 8 ở mức điểm 69,55. Những con số trên đây, cùng nhiều dấu hiệu khác đã cho thấy, TTCK sẽ tiếp tục sụt giảm.
Thực tế này, khiến cho hầu hết các nhận định đưa ra đều có chung một màu sắc bi quan. Thậm chí, nhiều bản đánh giá của các công ty chứng khoán đều xem đây là thời điểm rất mong manh và dễ đổ vỡ của chứng khoán.
Thời điểm dễ xảy ra đổ vỡ nhất
Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVS cho rằng, đang có nhiều dấu hiệu tiềm ẩn từ tiền tệ cho thời điểm cuối năm nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ rất dễ ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường. Hiện nay, thị trường đang ở thời điểm dễ xảy ra đổ vỡ nhất kể từ 2 tháng trở lại đây. Các chỉ số chứng khoán đã tiệm cận mức đáy rất sâu và người bán sẽ mạnh tay cắt lỗ nếu giá trôi xuống dưới mức sâu này.
Còn Công ty chứng khoán Woori CBV thì thất vọng cho rằng, chưa có các thông tin vĩ mô hỗ trợ thị trường do đó tình trạng thị trường như hiện nay vẫn sẽ kéo dài thêm. Mặc dù đà giảm đã giảm dần nhưng chưa có dấu hiệu tạm ngưng. Hiện tại, tuy các phiên chỉ số dao động với biên độ hẹp nhưng xét theo xu hướng dài hạn chỉ số đang có chiều hướng đi xuống. Thực tế, sự chán nản ngày càng thể hiện rõ trên khuôn mặt của nhà đầu tư.
Với một cài nhìn tổng thể hơn, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết, tính đến 25/7/2011, chỉ số VN-Index tụt giảm 15,54% và chỉ số HNX-Index giảm 38,52%. Xu hướng suy giảm của thị trường chứng khoán chiếm ưu thế trong 7 tháng đầu năm 2011.
Thanh khoản của thị trường cũng giảm sút mạnh, khối lượng giao dịch cổ phiếu bình quân phiên từ mức 25-30 triệu cổ phiếu trong quý I trên mỗi sàn xuống mức 15-18 triệu cổ phiếu trong tháng 7. Thị trường OTC và UPCoM cũng hầu như bị đóng băng với khối lượng giao dịch rất ảm đạm không đáng kể.
Mức vốn hóa thị trường cuối tháng 6 đạt 686.000 tỷ đồng, giảm 40.000 tỷ đồng so với cuối năm 2010, mức vốn hóa so với GDP giảm xuống 36% từ mức 39% cuối năm 2010.
Việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn do thị trường giảm sút, giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, mặt bằng lãi suất cao. Trong sáu tháng đầu năm, vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu chỉ đạt 4.500 tỷ đồng, tương đương 16% và vốn huy động qua đấu giá cổ phần hóa đạt 560 tỷ đồng, bằng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm hẳn quy mô giao dịch trong bảy tháng đầu năm, đặc biệt từ tháng 5/2011, khối này có xu hướng bán ròng cổ phiếu. Số tài khoản thường xuyên hoạt động hiện tại chỉ chiếm 20% tổng số tài khoản chứng khoán. Phần lớn nhà đầu tư đứng ngoài thị trường quan sát.
Chính vì thế, dù vẫn có niềm tin TTCK sẽ tăng trở lại theo chu kỳ nhưng ông Nghĩa lo ngại, TTCK Việt Nam đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm vì đã lao dốc mấy năm nay rồi. Thời gian suy giảm quá lâu, đáy chữ U rộng nên sự phục hồi sẽ chậm. Nếu thị trường vẫn như hiện tại – nhà đầu tư không mở thêm quỹ, niềm tin không phục hồi và kinh tế vĩ mô vẫn ảm đạm, chứng khoán sẽ vô cùng nguy hiểm.
Bà Vũ Thị Kim Liên – Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thừa nhận, TTCK đang rơi vào thời kỳ vô cùng khó khăn khi chỉ số VN-Index giảm sâu, lòng tin nhà đầu tư bị khủng hoảng nặng nề. Trong tình hình hiện nay, khi lòng tin không còn, lãi gửi tiết kiệm cao hơn rất nhiều so với lợi suất bình quân các DN niêm yết, sự hấp dẫn của vàng… khiến CK đang bị thua thiệt, bị bỏ rơi.
Dù là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và DN nhưng trong 6 tháng đầu năm, chức năng này của thị trường bị giảm sút. Vốn huy động do phát hành thêm cổ phiếu chỉ đạt 4,5 ngàn tỷ đồng, bằng 16% và vốn huy động qua đấu giá cổ phần hóa đạt 0,56 ngàn tỷ, chỉ bằng 68% cùng kỳ. Dòng vốn đầu tư nước ngoài giám sút. Đến cuối tháng 6 có khoảng 46% DN niêm yết có giá thị trường thấp hơn mệnh giá và 74% DN niêm yết có giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách, 45% DN niêm yết có hệ số P/E thấp hơn 5.
Ông Nghĩa lo ngại, giá cổ phiếu giảm dưới mệnh giá nên có những công ty xin hủy niêm yết hoặc dự định rút niêm yết khỏi thị trường. Nếu tình hình tiếp tục xấu đi sẽ xuất hiện trào lưu rút niêm yết. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường.
Tạo động lực cho chứng khoán
Với tình hình hiện nay, rất ít diễn biến có thể tạo ra sự hứng khởi để vực dậy TTCK. Ông Lê Xuân Nghĩa đặt ra một dự báo TTCK Việt Nam sẽ chắc chắn tăng trưởng trở lại theo chu kỳ. Theo ông Nghĩa, thị trường sẽ có thay đổi lớn về chu kỳ, một là tiếp tục đi xuống tới mức sụp đổ, hai là tăng trưởng chu kỳ mới.
Và tình huống thứ hai được các chuyên gia hy vọng và đặt niềm tin nhiều hơn. Tuy nhiên, thời điểm nào cho sự thay đổi đó đều chưa thể xác định khi TTCK đã suy giảm quá lâu và chắc chắn sự phục hồi nếu có cũng rất chậm chạp.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa nhận định, đến nay, nền kinh tế Việt Nam có lẽ đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, với các chỉ số vĩ mô tích cực. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cảnh báo khả năng xảy ra lạm phát đình đốn vào cuối năm.
Chính vì thế, theo bà Liên, cần thực hiện tốt kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô. Chỉ khi các vấn đề vĩ mô được cải thiện thì TTCk mới có cơ hội phát triển bền vững. Còn ông Nghĩa nhấn mạnh: “Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho nhà đầu tư là giải pháp quan trọng nhất vì TTCK là thị trường của kỳ vọng vào tương lai. Thiếu vắng niềm tin ở tương lai kinh tế vĩ mô, triển vọng phát triển ngành hay doanh nghiệp thì không những nhà đầu tư tổ chức mà nhà đầu tư cá nhân cũng không xác định đầu tư dài hạn vào TTCK.
Song, để thị trường có sức sống, đa số các nhà đầu tư đang mong chờ những tín hiệu “giải cứu” từ cơ quan quản lý và cả những điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách linh hoạt. Điều này không có nghĩa là bơm vốn cứu chứng khoán, mà quan trọng nhất là nó tạo ra niềm tin và sự phấn khích cho thị trường.
Ông Nghĩa đề xuất giữ nguyên tỷ lệ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ tín dụng và tạm dừng chương trình thoái vốn của các DNNN khỏi TTCK cũng là một giải pháp tránh đẩy thị trường đi xuống.
Theo xu hướng đó, bà Liên đề xuất, Ngân hàng Nhà nước rà soát lại để có bức tranh đúng về dư nợ tín dụng, từ đó có những quy định phù hợp. Một mặt, chúng ta cần chống lạm phát, một mặt có lộ trình để các ngân hàng điều chỉnh theo hướng thích hợp.
Cụ thể, không nên quy định một mức tiền cho vay hoạt động chứng khoán như nhau đối với các tổ chức tín dụng, mà cần phân loại và chỉ hạn chế đối với tổ chức tín dụng không đạt các tiêu chí an toàn. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp về thuế hợp lý nhằm hỗ trợ cho hoạt động chứng khoán.
Đặc biệt, để tăng độ hấp dẫn cho TTCK, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa các DNNN lớn, hiệu quả kinh doanh cao như MobiFone, VinaPhone, Viettel… sẽ tăng nguồn cung hàng hóa chất lượng cao nhằm thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, giảm thiểu hoặc bán hết cổ phần của nhà nước tại các doanh nghiệp không thiết yếu. Đồng thời, mở rộng room cho nhà đầu tư ngoại đối với những lĩnh vực không cần hạn chế để thu hút vốn của khối đầu tư nước ngoài.
Từ phía nhà đầu tư, ông Dominic Scirven – Tổng giám đốc Dragon Capital, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng, cần có một lộ trình để giảm quyền sở hữu nhà nước tại các DN cổ phần hóa.
Theo nhà đầu tư này, cần có một lộ trình về cổ phần hóa và giảm sở hữu nhà nước ở các DN. Một khung thời gian cho các công ty đại chúng niêm yết. Sự chậm trễ trong việc tư nhân hóa có thể gửi một tín hiệu không mong muốn tới các nhà đầu tư. Đặc biệt, cần thay đổi nhận thức IPO từ huy động vốn sang tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp. Những IPO gần đây đã gửi một tín hiệu tốt đến nhà đầu tư.