Việt Nam đã hội nhập sâu rộng cùng thế giới
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) cho biết, những năm 1997 là thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á bắt đầu xuất hiện từ Thái Lan, sau đó lan sang các nước ASEAN và cả khu vực.
Mặc dù khi đó, Việt Nam chưa bị ảnh hưởng ngay từ cuộc khủng hoảng này vì Việt Nam chưa mở cửa thị trường nhưng tác động của nó có độ trễ nhất định. Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng này được thể hiện rõ rệt qua những con số trong hoạt động thu hút FDI của Việt Nam, cụ thể giai đoạn trước năm 1997, thu hút FDI của Việt Nam cao nhất đạt mức 6 tỷ USD. Tuy nhiên, những năm sau giai đoạn 1997 – 2004, trung bình mỗi năm Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 2-3 tỷ USD.
Đây cũng là giai đoạn Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ. Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) năm 1998. Đây là nền tảng cơ sở để Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau này. Năm 2006 là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức APEC. Sự kiện này đã góp phần đưa vị thế Việt Nam lên một tầm cao mới.
Những năm 1999 – 2006 là thời kỳ Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Để có thể gia nhập tổ chức này, Việt Nam phải đàm phán song phương và đa phương với các nước WTO để giải quyết các vấn đề song phương. Sau quá trình đàm phán kéo dài 5 – 6 năm, cùng với sự chỉ đạo quyết của Chính phủ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO năm 2007 và là thành viên thứ 150 của tổ chức này. Đây cũng là dấu mốc quan trọng ghi nhận Việt Nam đã chính thức hội nhập một cách sâu rộng cùng thế giới bằng việc có mặt trong tất cả các định chế tài chính của thế giới, trong đó phải kể đến IMF, WB, ADB và WTO.
Hoàn thiện hệ thống pháp lý
Việc gia nhập các tổ chức quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại đòi hỏi Việt Nam phải hoàn hệ thống pháp luật, đặc biệt là trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, thay vì tách biệt Luật đầu tư nước ngoài như trước đây, năm 2005 Luật đầu tư chung đã chính thức được ra đời.
“Luật đầu tư chung đã giúp chấm dứt những phân biệt, so bì giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội. Vì thế, doanh nghiệp FDI đã yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai thành phần kinh tế này đã gắn bó và gần gũi hơn”, ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện nay, Luật đầu tư đã trải qua 4 lần sửa đổi lớn và 4 lần sửa đổi nhỏ, tổng là 8 lần. Trong đó, Luật đầu tư năm 2005 và 2014 là những dấu mốc quan trọng, góp phần tạo bước ngoặt trong hoạt động thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Luật đầu tư đầu tiên được ra đời vào năm 1987. Khi đó, Việt Nam trong giai đoạn mới mở cửa, lao động thừa nhiều và thiếu vốn, thiếu việc làm. Luật đầu tư ra đời đã tạo ra một “cú hích” đối với nền kinh tế. Vấn đề lao động được giải quyết, đời sống của người lao động đã được cải thiện và các ngành dịch vụ đã phát triển theo. Tuy nhiên, Luật đầu tư khi đó chưa chú trọng tới vấn đề thiết bị máy móc và công nghệ được sử dụng của nhà đầu tư cũng như yếu tố bảo vệ môi trường chưa được đề cao tương xứng.
Những hạn chế này đã sớm được khắc phục và hoàn thiện tại Luật đầu tư năm 2005. Theo đó, các điều khoản liên quan đến tiếp cận nguồn vốn, bảo hộ đầu tư, phát triển công nghiệp phụ trợ hay tính lan toả giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI đã được quy định một cách rất rõ ràng và chi tiết. Vì thế, trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp phụ trợ, số lượng doanh nghiệp tham gia, người lao động và đầu mối cung ứng là doanh nghiệp Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Ngoài ra, Luật đầu tư 2005 cũng cho phép doanh nghiệp nước ngoài được vay vốn tín dụng của ngân hàng Việt Nam. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy hệ thống pháp lý của Việt Nam đã hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế và xu hướng hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng.