Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi số doanh nghiệp niêm yết thua lỗ trong quí 2-2011 cao hơn hẳn các quí trước. Thống kê của sàn Hà Nội cho thấy năm ngoái số công ty kinh doanh thua lỗ là 2,67%, quí 1 năm nay tăng lên 14,93% và quí này dự báo khoảng 30-40%. Không ít doanh nghiệp “thoát” khỏi danh sách thua lỗ chỉ nhờ lợi nhuận vài trăm, thậm chí vài chục triệu đồng.
Song, điều khiến giới đầu tư không hài lòng không chỉ là mức lợi nhuận thấp hay không có lợi nhuận, mà còn là sự chậm trễ trong công bố thông tin cũng như tình trạng công bố cho có, thiếu giải thích tường tận. Nhiều công ty chỉ nộp lên sở vỏn vẹn kết quả kinh doanh tóm tắt, thiếu các dữ liệu về lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính.
Có đơn vị nộp đủ dữ liệu thì thuyết minh sơ sài, nhiều khoản doanh thu, lỗ lã, lợi nhuận bất thường cổ đông không biết từ đâu mà có. Đến nỗi khi biết thông tin một công ty vận tải và thuê tàu quí này có khoản lợi nhuận khác hàng trăm tỉ đồng, một nhà đầu tư sau khi tìm đỏ mắt không biết nó đến từ đâu, đã chặc lưỡi: “Chắc công ty bán tàu, chuyển nhượng dự án bất động sản, đòi được nợ”. Thử hỏi cứ nhập nhèm như vậy, làm sao thị trường có thể minh bạch?
Theo quy định, các công ty niêm yết phải công bố kết quả kinh doanh trong vòng 25 ngày kể từ khi kết thúc quí. Chưa bao giờ đến hạn mà 100% các công ty trên sàn thực hiện đúng nghĩa vụ này. Càng ngày tỷ lệ đơn vị chậm nộp báo cáo tài chính càng tăng lên. Năm nay đến đầu tháng 8 vẫn còn 180 công ty trên tổng số 300 doanh nghiệp tại HOSE chưa nộp báo cáo quí hai. HOSE chỉ biết theo dõi, nhắc nhở và đến khi quá hạn quá mức mới có văn bản yêu cầu giải trình.
Sự chây ì của doanh nghiệp là đáng trách và họ có thể phải trả giá bằng sự giảm giá cổ phiếu, bằng sự mất niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên cơ quan quản lý mới là người phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cả. Sự chế tài việc thực thi các quy định pháp lý ở đâu? Nếu việc xử phạt có tính răn đe không mang lại hiệu quả, thì tại sao mức độ chế tài không được nâng lên?
Thí dụ một lần không nộp báo cáo tài chính đúng hạn, doanh nghiệp bị phạt 1 tỉ đồng. Lần thứ hai tăng lên 3 tỉ đồng. Lần thứ ba hủy niêm yết. Khoan hãy nói đến việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư từ những cải thiện kinh tế vĩ mô, từ áp dụng các sản phẩm phái sinh, chứng khoán cần lột xác từ chính các chủ thể của thị trường, mà đầu tiên là công ty niêm yết.
Một số doanh nghiệp phàn nàn 25 ngày là không đủ cho bộ phận kế toán tổng hợp số liệu. Đây chỉ là lý do nhất thời. Trước khi niêm yết, công ty đó đã nghiên cứu đầy đủ các quy định về công bố thông tin chưa? Và nếu bộ phận kế toán không đủ khả năng đáp ứng quy định, thì bản thân doanh nghiệp có nên niêm yết? Vai trò của công ty tư vấn niêm yết lúc đó ở đâu? Cơ quan quản lý thẩm tra hồ sơ niêm yết đến mức độ nào?
Cái thời các sàn giao dịch là một cánh cửa hờ, công ty nào đẩy vào cũng lên niêm yết được đáng lẽ phải qua rồi, vậy mà nó vẫn cứ tồn tại như thế từ nhiều năm nay. Nâng cao chất lượng công ty niêm yết không chỉ là chỉ tiêu vốn liếng, 1-3 năm làm ăn có lãi mà còn phải có chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp.
Theo thường lệ những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh vượt trội bao giờ cũng công bố thông tin sớm. Có công ty công bố hàng tháng. Những công ty công bố muộn hoặc có văn bản xin lùi thời hạn công bố thường có vấn đề về lợi nhuận, doanh thu. Cùng một quy mô, ngành nghề, có công ty công bố đúng hạn, có công ty trễ… tất cả những hiện tượng ấy cho thấy chất lượng doanh nghiệp niêm yết đang rất không đồng đều, đang bị buông lỏng về mặt quản lý.
Nhìn lại những doanh nghiệp có giá cổ phiếu ổn định hoặc chống chọi tốt với sự lao dốc chung của thị trường gần đây đều là những blue-chips công bố thông tin đúng hạn, đúng quy định. Họ làm được, còn những doanh nghiệp khác thì không? Có phải đó đơn thuần chỉ là sự yếu kém về quản trị công ty? Hay rộng hơn là một tầm nhìn về tương lai cũng như thực tại của doanh nghiệp? Trong cơn sóng gió của thị trường, giới đầu tư đã lớn lên, đã nhận ra những thay đổi đó, sự khác biệt đó và lối suy nghĩ của họ thực tế hơn. Đó là lý do giải thích vì sao các cổ phiếu thượng hạng đang vượt bão tốt hơn.
Tuy vậy, sự thay đổi trong nhận thức của giới đầu tư chưa thể kéo theo sự thay đổi trong quan niệm, tầm nhìn của cơ quan quản lý. Sự tụt hậu của cơ quan quản lý thị trường thể hiện qua sự bất lực không thể xử lý nổi những doanh nghiệp vi phạm quy định công bố thông tin, dây dưa kéo dài đã từ nhiều năm. Chứng khoán đang cần lắm một cuộc cải cách, bắt đầu từ tư duy của cơ quan quản lý để sự minh bạch có thể ngự trị và điều hành thị trường.