Lâu nay, tín dụng vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu chính cho ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các ngân hàng đã dần đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để đa dạng nguồn thu và giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, qua đó phân tán rủi ro trong hoạt động cho vay.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018. Cụ thể, trong quý 3/2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.185 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Trong đó, đa số các hoạt động kinh doanh đều có tăng trưởng lợi nhuận cao.
Thu nhập lãi thuần tăng 28% đạt 3.633 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 89% lên 710 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 55% đạt lãi 127 tỷ đồng. Chỉ riêng hoạt động mua bán chứng khoán và thu nhập góp vốn mua cổ phần của MB trong quý 3 năm nay có sụt giảm hơn so với năm ngoái.
Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đã công bố kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2018. Theo đó, lợi nhuận trước thuế luỹ kế đạt 1.720 tỷ, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước và đạt 86% kế hoạch cả năm. Doanh thu tăng 48% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 50% và 37%.
Thu nhập ngoài lãi hiện chiếm 16% trong tổng doanh thu và đang có xu hướng tăng tích cực. Hệ số hiệu quả chi phí trên doanh thu (CIR) giảm mạnh từ 57% năm 2017 xuống còn 48%. Chi phí dự phòng của 9 tháng duy trì ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2017 trong bối cảnh VIB không còn dư nợ ở VAMC. Với con số lợi nhuận này, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB đạt 19,4%.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng cho biết lợi nhuận trước thuế tiếp tục vượt mốc 1.000 tỷ đồng khi đạt 1.014 tỷ đồng, bằng 84,5% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Ngân hàng cũng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sang mảng bán lẻ, thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm là 205 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 cho thấy đạt 222 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, lợi nhuận của ngân hàng này đến từ khoản lãi đột biến nhờ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh so với cùng kỳ.
Một số ngân hàng như VCB, VPBank, Techcombank…dù chưa công bố kết quả song đều được dự báo là sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng từ mảng dịch vụ.
Nhiều dự báo cũng cho thấy lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay sẽ khả quan. Dù tăng trưởng tín dụng có thể thấp hơn so với năm 2017 nhưng lợi nhuận được dự báo tăng khoảng 20 – 25%.
Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định trong báo cáo mới nhất của mình rằng, năm 2018 vẫn là “năm tăng trưởng đặc biệt” của ngành ngân hàng. Do vậy, theo HSC, chính sách thắt chặt hơn với tín dụng có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng nhưng không đáng kể. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết được dự báo sẽ tăng trưởng 45,2% trong năm 2018, cao hơn mức dự báo tăng trưởng 30% trước đó.
Thực tế cho thấy, dù tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng sẽ thấp hơn kế hoạch, ảnh hưởng một phần đến thu nhập lãi thuần, nhưng tỷ lệ NIM (thu nhập lãi cận biên), thu nhập ngoài lãi đang tăng lên.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết kỳ vọng thu nhập từ các dịch vụ phi truyền thống (bancassurance, thẻ tín dụng, e-banking) sẽ tăng khi ngành chuyển hướng tập trung sang phân khúc ngân hàng bán lẻ.
VDSC dự báo tăng trưởng thu nhập dịch vụ sẽ ở mức từ 20-30%/năm từ nay đến năm 2022 và tỷ trọng của thu nhập phí trên tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng từ 8% năm 2017 lên 13% vào năm 2022. Các nguồn thu nhập dịch vụ chính bao gồm thu nhập từ thanh toán và bancassurance.