Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 6 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt 11,74 triệu tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bán hàng đạt 10,61 triệu tấn, tăng 36,2%, trong đó xuất khẩu đạt 2,31 triệu tấn, tăng 41,6%.
Đồng thời, giá bán thép xây dựng trong nước nửa đầu năm duy trì ổn định ở mức cao, khoảng 13,2 – 13,5 triệu đồng/tấn.
“Kẻ khóc, người cười”
Mới đây, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) đã công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2018 với sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận.
Trong quý II, Hòa Phát đạt 14.430 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 43% so với quý II/2017.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt doanh thu 27.595 tỷ đồng, tăng 30%; lãi sau thuế 4.425 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hòa Phát, đây là kết quả khả quan khi đặt trong bối cảnh tập đoàn dừng lò cao số 2 để bảo dưỡng, thay thế thiết bị suốt hai tháng. Thị phần thép Hòa Phát duy trì vị trí số 1 với 22,2%.
CTCP Thép Pomina (mã: POM) cũng vừa báo lãi sau thuế tăng 174% đạt 164 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, POM đạt doanh thu 6.635,8 tỷ đồng, tăng 30%; lãi sau thuế 373,8 tỷ đồng, tăng 41,2%.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC), Gang thép Thái Nguyên (mã: TIS) và Ống thép Việt Đức VG PIPE (mã: VGS) cũng đạt kết quả tăng lợi nhuận trên 20% trong quý II, do doanh thu tăng và tiết giảm chi phí.
Trong khi đó, dù là một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành thép, nhưng CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) lại không có được niềm vui như những “người anh em”.
Theo BCTC hợp nhất quý III niên độ tài chính (1/10/2017 – 30/9/2018), doanh thu thuần của Hoa Sen đạt 10.324 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tài chính báo doanh thu sụt giảm nhẹ trong khi chi phí tăng 54% lên 217 tỷ đồng. Chí phi bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng lần lượt 19% và 6%. Theo đó, Hoa Sen lãi ròng 82,8 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 25.875 tỷ đồng, tăng 34%; nhưng lợi nhuận ròng giảm lại 55% xuống 512 tỷ đồng.
Một số DN khác cũng công bố kết quả kinh doanh không mấy tươi sáng với lợi nhuận sụt giảm như: Thép DANA – Ý (mã: DNY), thép Tiến Lên (mã: TLH), Thép Nam Kim (mã: NKG)…
Gây bất ngờ nhất là CTCP Thép Việt Ý (mã: VIS) khi lỗ ròng 68 tỷ đồng trong quý II, lũy kế 6 tháng lỗ 66 tỷ đồng, cách rất xa mục tiêu lãi trước thuế 90,4 tỷ đồng cả năm.
Lý giải về sự bất ngờ này, VIS cho biết, do giá phế liệu đầu vào tăng mạnh khiến chi phí sản xuất tăng, VIS phải trích lập sự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm 30/6 và trích lập với các khoản công nợ khó đòi phát sinh các năm trước.
Chung đà đi xuống
Kết quả kinh doanh có sự phân hóa rõ rệt, nhưng không nằm ngoài xu hướng giảm giá chung của thị trường, cổ phiếu nhóm ngành thép cùng giảm mạnh trong thời gian qua.
Có mức giảm mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu HSG khi giảm 54% từ mức giá 24.500 đồng/cp hồi đầu năm xuống 11.250 đồng/cp (phiên 1/8).
Cổ phiếu TLH cũng giảm mạnh 32,5% từ 11.250 đồng/cp phiên đầu năm xuống 7.590 đồng/cp như hiện tại.
Lên sàn năm 2010, cổ phiếu POM được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ trở thành đối trọng với HPG, do tương đồng cả về tên tuổi và vị thế.
Những cổ đông sáng lập POM đều là những người có vài chục năm kinh nghiệm trong ngành thép và thương hiệu Pomina cũng có sức lan tỏa rất lớn trên thương trường. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu này lại chỉ bằng phân nửa so với HPG.
Không nằm ngoài đà giảm chung của nhóm cổ phiếu ngành thép, thị giá cổ phiếu POM cũng giảm 6,9% từ 16.000 đồng/cp (phiên 2/1) xuống 14.900 đồng/cp như hiện tại.
Hiện, Pomina đang phải làm việc với hải quan về sự việc liên quan đến 100 bánh cocain nằm trong container của công ty Stamcorp International Pte Ltd có trụ sở tại Singapore gửi cho Pomina. Sự việc này đã làm cổ phiếu POM bị bán tháo, giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 27/7.
Dù lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhưng thị giá cổ phiếu của HPG cũng giảm trong xu hướng chung.
Tính theo giá điều chỉnh từ phiên giao dịch ngày 16/6 là 42.500 đồng/ cp, cổ phiếu HPG đến nay đã giảm 13,3% về mức giá 37.600 đồng/cp (phiên 1/8).
Chỉ tính riêng tháng 7 là tháng “đón sóng” kết quả kinh doanh quý II, cổ phiếu HPG vẫn ghi nhận mức giảm 2,7% từ mức giá 38.400 đồng/cp (phiên 2/7 ) xuống 37.350 đồng/cp (phiên 31/7).
Trước đó, nối tiếp đà tăng năm 2017, trong 3 tháng đầu năm 2018, cổ phiếu HPG tiếp tục bứt phá, đạt mức tăng hơn 29% thị giá. Cũng chính sự tăng trưởng này đã đưa ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, trở thành tỷ phú USD thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trên thực tế, DN thép trong nước hầu hết đều nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc, phế liệu, hay thép cán nóng từ nước ngoài, biến động mạnh giá thép thế giới và nguyên liệu thô có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất thép Việt Nam trong ngắn hạn, đặc biệt là trong những giai đoạn giá đầu ra chưa theo kịp đà tăng giá đầu vào.
Các DN có thể nhanh chóng thích nghi và đẩy mạnh chiến lược kinh doanh, tuy nhiên, các khoản lãi kỷ lục cũng khó “che mờ” được xu hướng phân hóa khắc nghiệt của ngành thép.