Theo BCTC hợp nhất quý II, CTCP Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HOSE: BHN, Habeco) ghi nhận doanh thu thuần 2.912 tỷ đồng, giảm hơn 1% so với cùng kỳ.
Hoạt động tài chính trong kỳ không nhiều biến chuyển trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm 3% và 24% so với cùng kỳ năm trước, nhờ cắt giảm chi phí nhân viên và vận chuyển hàng hóa, cùng chi phí mua ngoài khác. Habeco vẫn đẩy mạnh chi phí quảng cáo khuyến mại và hỗ trợ từ 141 tỷ đồng lên 166,7 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày chi gần 2 tỷ đồng.
Hoạt động khác mang về cho Habeco gần 13,4 tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ thu hồi vỏ chai, vỏ keg. Trừ chi phí thu lại lãi khác gần 8,3 tỷ đồng.
Kết thúc quý II, Habeco lãi trước thuế giảm 2% xuống 269,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí thuế giảm giúp lợi nhuận ròng giảm 1,5% xuống 200 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 4.337 tỷ đồng và lợi nhuận ròng331 tỷ đồng, tăng 3% và 1,5% cùng kỳ năm trước, tương đương 49% và 41% kế hoạch 2018.
Trong năm nay, Habeco dự kiến sẽ phát triển sản phẩm mới dung tích 330 ml thay thế chai 450 ml, trong bối cảnh sản lượng bán bia chai Hà Nội 450 ml liên tục suy giảm trong những năm gần đây do dung tích lớn, giá bình dân, thương hiệu truyền thống, lợi nhuận không hấp dẫn đối với nhà phân phối.
Ban lãnh đạo Habeco cho biết, chiến lược này phù hợp với xu thế tiêu dùng, định hướng sản phẩm với hương vị bia cao cấp hơn, dễ uống hơn. Thị phần của Habeco trên thị trường bia khoảng 15%.
Mặt khác, năm nay, Habeco cũng sẽ cải tổ lại bộ máy, thuê đơn vị tư vấn đánh giá quản trị công ty, cải thiện công tác thị trường, nâng cao thương hiệu bia của Habeco.
Sau nửa năm, tổng tài sản của công ty tăng 2%, lên 9.369 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm 56%, chủ yếu là tiền và tiền gửi hơn 3.561 tỷ đồng, hàng tồn kho hơn 925 tỷ đồng. Tài sản dài hạn chủ yếu là tài sản cố định 3.411 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, Habeco đang vay 829 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn chiếm 60%. Công ty có lợi nhuận sau thuế 565,6 tỷ đồng, bên cạnh quỹ đầu tư 1.216 tỷ đồng.