Ông Dương Khánh Toàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà, trong buổi giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011 của Bộ Xây dựng ngày 19/7, cho thấy chỉ có 2 chỉ tiêu là tổng giá trị sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước là đạt một nửa kế hoạch năm.
Các con số còn lại, về doanh thu chỉ đạt 49%, ở mức 27.679 tỷ đồng; giá trị đầu tư đạt 44%, ở mức 4.566 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 18% kế hoạch năm, tương đương với 560 tỷ đồng.
Chỉ tiêu lợi nhuận đạt thấp nhất so với kế hoạch. Vị tổng giám đốc lý giải rằng, nguyên nhân chính là chủ đầu tư tại các công trình mà tập đoàn thi công thiếu vốn thanh toán, dẫn đến giá trị dở dang, công nợ của tập đoàn lớn 6 tháng vượt quá khả năng của các đơn vị.
Ông Toàn mô tả, vốn chủ sở hữu của tập đoàn là 15.600 tỷ đồng, vốn nhà nước chỉ có 4.600 tỷ mà hiện nay Sông Đà đã đầu tư 8.000 tỷ. Trong khi đó dở dang công nợ quá lớn đến 5.500 tỷ.
Riêng thủy điện Lai Châu – công trình trọng điểm của Nhà nước, tổng giá trị thi công của các đơn vị, nhà thầu trong tập đoàn đã lên tới 1.300 tỷ, nhưng vốn cả ứng và thanh toán của chủ đầu tư thì đến nay mới được 264 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong điều kiện thiếu vốn, tâm lý các chủ đầu tư không muốn nghiệm thu thanh toán dẫn đến công tác nghiệm thu trì trệ. Bên cạnh đó, họ cũng không bao giờ chịu trả lãi chậm trả.
Không chỉ Tập đoàn Sông Đà, ông Nguyễn Đăng Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) cũng nhận định, có lẽ chưa bao giờ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay với một loạt tác động kép gây khó khăn cho đầu vào và đầu ra của sản xuất kinh doanh.
Ở lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (ViCem), cho rằng, cùng với chi phí vốn quá cao, giá các vật tư nhiên liệu đầu vào hiện cũng đều tăng ở mức 2 con số, đơn cử như giá than tăng 41% từ đầu tháng 4/2011; giá xăng dầu tăng từ 32-43%; giá thép tăng gần 30%; điện tăng 15,28%, vỏ bao tăng khoảng 25%.
Với các đơn vị sản xuất xi măng, tình hình cung ứng than, điện 6 tháng đầu năm luôn ở trong tình trạng “ăn đong” và tiết giảm điện năng từ 10-30% công suất. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm khá trầm. Nếu tính đến hết ngày 30/6/2011, tổng sản phẩm tồn kho của ViCem đã là 1,35 triệu tấn.
Sau khi trừ các chi phí tài chính, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ViCem chỉ còn 314 tỷ đồng. Đem chia cho con số 12.500 tỷ đồng vốn của doanh nghiệp để ra được 2-3% lợi nhuận.