Muốn đưa Xi măng Quang Sơn về Vicem
Bộ Công thương vừa có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép chuyển giao nguyên trạng Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn từ Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) sang Vicem.
Theo đó, toàn bộ tài sản tại báo cáo tài chính của Xi măng Quang Sơn tại thời điểm bàn giao sẽ được Vicem tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ mà Vinaincon đã vay cho Xi măng Quang Sơn.
Công ty Xi măng Quang Sơn, tiền thân là Công ty Xi măng Thái Nguyên, do Vinaincon làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,51 triệu tấn xi măng/năm. Ngày 22/3/2003, Dự án được khởi công, nhưng đến cuối năm 2009, mới được khánh thành, đưa vào chạy thử. Tháng 7/2011, nhà máy đi vào sản xuất chính thức với nhãn hiệu Xi măng Quang Sơn.
Do đi vào hoạt động đúng thời điểm có nhiều nhà máy xi măng cũng ra mắt thị trường, khi nguồn cung đã tiệm cận nhu cầu sử dụng, nên Xi măng Quang Sơn liên tiếp gặp khó về tài chính.
Chỉ sau 1 năm hoạt động, Xi măng Quang Sơn đã bị thua lỗ hơn 70 tỷ đồng, đã từng rơi vào cảnh không có nguồn trả nợ đầu tư, thiếu vốn sản xuất và đứng trước nguy cơ lớn về tồn tại hay phá sản.
Vài năm gần đây, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Xi măng Quang Sơn đã khá lên nhiều, nhưng vẫn ở trong diện khó khăn, sản xuất, kinh doanh tăng trưởng âm.
Theo báo cáo Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, vốn vay của Công ty Xi măng Quang Sơn đã lên đến 95% tổng mức đầu tư, nên chi phí tài chính của Công ty quá cao. Vinaincon không có vốn để tăng vốn điều lệ cho Quang Sơn.
Hiện nay, Vinaincon đã đầu tư tại các công ty con vượt mức vốn điều lệ. Do đó, hiện tại Vinaincon không có khả năng hỗ trợ vốn cho Xi măng Quang Sơn trả nợ vay đầu tư. Tính đến ngày 31/12/2017, lỗ lũy kế của Xi măng Quang Sơn là 1.145 tỷ đồng.
Sau khi Vinaincon hoàn thành việc chuyển giao Xi măng Quang Sơn về Vicem, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Vinaincon thực hiện thoái vốn nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Vicem nói gì về khả năng tiếp nhận?
Thực tế, mong muốn đưa Xi măng Quang Sơn về với Vicem đã được nhen nhóm từ lâu. Từ vài năm trước, Vicem đã nhận được đề nghị tiếp nhận Xi măng Quang Sơn từ Bộ Xây dựng, nhưng tại thời điểm đó, Vicem đã có văn bản trả lời không thể tiếp nhận.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem cho biết, lý do không thể tiếp nhận Xi măng Quang Sơn từ những năm trước khá rõ ràng, bản thân Vicem lúc đó đang đứng trước bài toán phải nâng hiệu quả hoạt động của chính mình, mà nếu đã tiếp nhận thì phải làm cho tốt. Bởi vậy, thời điểm đó thị trường và nội lực của Vicem đều không thuận cho việc tiếp nhận thêm một doanh nghiệp yếu kém.
Nói về lý do vì sao Vicem đã tiếp nhận 2 nhà máy xi măng thua lỗ là Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long vài năm trước, mà nay lại không thể tiếp nhận thêm Xi măng Quang Sơn, ông Khải lý giải, lúc đó là để thực hiện mục đích tái cơ cấu trong nội bộ của ngành xây dựng. Việc nhận 2 doanh nghiệp xi măng thua lỗ đó về, đến nay Vicem vẫn đang phải dồn sức lực để vực dậy. Bước đầu thì cả 2 nhà máy đã qua giai đoạn cam go ban đầu, nhưng vẫn còn cả núi việc cần Vicem xử lý để hoạt động ổn định, đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt.
Báo cáo của Vicem cho thấy, đến hết năm 2017, Vicem đã hoàn thành giai đoạn I về tái cơ cấu Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty Sông Đà và Xi măng Sông Thao từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). Chỉ riêng khoản đầu tư vốn tái cấu trúc xi măng Hạ Long trong năm qua đã lên tới 480 tỷ đồng trả nợ cho Quỹ tích lũy trả nợ của Bộ Tài chính, cho thấy sự oằn vai của Vicem.
“Điều quan trọng là dồn lực để lo cho các doanh nghiệp thành viên của Vicem và 2 doanh nghiệp kia, việc gánh thêm Xi măng Quang Sơn không thể đảm bảo cho tình hình hoạt động của doanh nghiệp này tốt lên, không những thế, “núi nợ” của Quang Sơn có thể còn kéo Vicem đi xuống, mà điều kiện của Vicem thì có hạn”, ông Khải nói.