Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngày 17/10 cho biết quý III đã chứng kiến những diễn biến phực tạp hơn của chỉ số giá tiêu dùng.
Báo cáo của CIEM cho biết CPI giảm 0,09% trong tháng 7, sau đó tăng lần lượt 0,45% và 0,59% trong các tháng 8 và 9 so với tháng trước. CPI bình quân tăng 4,14% trong quý III và 3,57% trong 9 tháng đầu năm.
Dù có lo ngại về rủi ro lạm phát tại một số thời điểm, tuy nhiên, theo CIEM có khả năng đạt mục tiêu lạm phát bình quân 4% cả năm 2018.
Lạm phát cơ bản hiện tương đối ổn định ở mức thấp. Bình quân 9 tháng, lạm phát cơ bản ở mức 1,41% so với cùng kỳ năm trước, tăng rất ít so với bình quân 6 tháng và bình quân 3 tháng đầu năm. Như vậy, điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng không làm tăng áp lực đối với lạm phát.
Theo phân tích của CIEM, CPI trong 9 tháng đầu năm chủ yếu chịu tác động từ việc tăng giá nhóm hàng lương thực – thực phẩm, dịch vụ y tế và xu hướng tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới dẫn tới điều chỉnh xăng dầu trong nước.
Bên cạnh đó, kỳ vọng lạm phát được điều chỉnh khi Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.
Trong khi đó, mặc dù có nhiều khó khăn hơn trong điều hành tỷ giá, tác động truyền tải từ giá thế giới đối với mặt bằng giá Việt Nam dường như chưa nhiều.
Lo ngại giá dầu và điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường
Đặc biệt, việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung từ ngày 1/1/2019, theo CIEM chưa có tác động trực tiếp ngay với mặt bằng giá năm 2018 nhưng đã xuất hiện một số bất cập.
Việc điều chỉnh này kéo theo tác động “chi phí đẩy” đối với lạm phát, làm giảm dư địa cho chính sách tiền tệ trong việc điều hành lãi suất và tỷ giá trong quý IV/2018 và đầu năm 2019.
VEPR cho rằng việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019 sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.
Theo tính toán sơ bộ của VEPR, riêng sự thay đổi về thuế bảo vệ môi trường, 1.000 đồng thuế tăng vào giá xăng có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng 1,6 điểm phần trăm trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao.
Báo cáo của SSI Retail Research cũng cho rằng việc kiềm chế lạm phát trong năm 2018 đang gặp thách thức lớn hơn các năm trước. Trong quý IV, ngoài lương thực thực phẩm, nhóm năng lượng (xăng, dầu, gas) cũng cần được quan tâm.
Việc quản lý giá gạo có phần đơn giản hơn do có thể chủ động tích trữ và kiểm soát cung cầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu khó kiểm soát hơn bởi phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài như việc tăng giá của thị trường thế giới. Vì vậy, SSI Retail Research cho rằng Việt Nam cần phải sử dụng quỹ bình ổn kết hợp với tính toán thời điểm tăng giá để tránh gây áp lực dồn dập cho mùa cao điểm cuối năm.