Theo một nguồn tin mới đây, Tập đoàn Nhật Bản Aeon và CTCP Nhất Nam (đơn vị chủ quản) đã hoàn tất đàm phán nhượng lại chuỗi siêu thị Fivimart cho một doanh nghiệp trong nước.
Không tiết lộ về giá trị thương vụ, song lãnh đạo đơn vị này cho rằng việc ngưng hợp tác với Fivimart nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp.
Về phía Fivimart, đơn vị này cũng đã công bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu đến các đối tác, khách hàng. Từ ngày 28/9, Fivimart sẽ chỉ sử dụng logo Fivimart mà không đặt kèm logo Aeon.
Đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon “kết duyên” cùng CTCP Nhất Nam từ năm 2015 khi mua lại 30% cổ phần. Thời điểm mới bắt tay hợp tác năm 2015, Fivimart có 10 siêu thị, nay là 23 siêu thị.
Hợp tác với Aeon giúp doanh thu của Fivimart đi lên, có thời điểm tăng trưởng trên 20%. Dẫu doanh thu tích cực nhưng trong 3 năm qua, công ty này liên tục báo lỗ.
Năm 2016, công ty lỗ tới 96 tỷ đồng, nguyên nhân thua lỗ do chi phí bán hàng lớn hơn cả lợi nhuận gộp (ở mức 280 tỷ đồng). Năm 2015, công ty lỗ 60 tỷ đồng và năm 2017 cũng lỗ 23 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.
Cũng trong năm 2015, đại gia Nhật Bản này đã mua lại 49% cổ phần Citimart. Sau khi rút sự hiện diện khỏi 23 siêu thị Fivimart tại Hà Nội, Aeon vẫn duy trì mối quan hệ với Citimart tại TP.HCM.
Tương tự Fivimart, tình hình kinh doanh của Citimart sau khi hợp tác cùng Aeon cũng không khả quan hơn. Citimart cũng báo lỗ 91 tỷ đồng trong năm 2015 và trong năm 2016 tiếp tục lỗ 33 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Citimart tính tới cuối năm 2016 lên tới 157 tỷ đồng.
Aeon gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008. Năm 2011, Ministop (thành viên Aeon) hợp tác cùng G7 ra mắt chuỗi cửa hàng tiện lợi G7-Ministop.
Tuy nhiên, sau 4 năm hợp tác không hiệu quả, Ministop đã dừng hợp tác với Trung Nguyên và chuyển sang bắt tay đối tác Nhật Sojitz, đặt mục tiêu mở 800 cửa hàng trong vòng 8 năm tới.