Vượt kế hoạch nhờ… thận trọng
Tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), báo cáo tài chính quý II/2018 cho biết, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 643,9 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng 881 tỷ đồng, vượt 19,8% mục tiêu cả năm (735,6 tỷ đồng).
Tại CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), dù lợi nhuận sau thuế (LNST) quý II/2018 chỉ tương đương 25% cùng kỳ 2017, nhưng nhờ quý I/2018 lãi đột biến mà lũy kế 6 tháng, LNSTcủa Công ty vẫn vượt 33,9% kế hoạch. Tại CTCP Thủy điện Hủa Na (HNA), LNTT trong 6 tháng đạt 21,45 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch cả năm 2018.
Trong nhóm ngành thương mại, CTCP Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (TMC) cho biết, doanh thu quý II/2018 đạt 702 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ 2017 nhờ các mảng kinh doanh sắt thép, xăng dầu… đều tăng trưởng.
Cùng việc chuyển nhượng dự án bất động sản, lãi trước thuế của TMC đạt 19,5 tỷ đồng, tăng gấp 2,67 lần quý II/2017. Lũy kế 6 tháng, dù doanh thu mới thực hiện 73,4% kế hoạch năm nhưng, LNTT của TMC đã vượt 11,5% chỉ tiêu mà Đại hội đồng cổ đông giao phó.
Hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cũng là câu chuyện của CTCP Nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP), CTCP Đầu tư điện lực 3 (PIC), CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT), CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND)… ngay trong quý II/2018.
Như vậy, chỉ cần duy trì “phong độ” như chặng đường vừa qua, năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp ít nhất sẽ gấp đôi mục tiêu đề ra.
Hoàn thành, vượt mục tiêu lợi nhuận luôn là những tin tốt đẹp được nhà đầu tư đón nhận. Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp, vượt kế hoạch nhưng lợi nhuận so với cùng kỳ lại không tăng trưởng, thậm chí sụt giảm, thì không phải là thông tin vui.
Nguyên nhân là do mục tiêu đặt ra cho năm nay khá thận trọng và giảm mạnh so với thực hiện 2017.
Chẳng hạn, tại TMC, Công ty trình Đại hội đồng cổ đông 2018 kế hoạch LNTT chỉ 22 tỷ đồng, giảm 21,4% so với thực hiện 2017 và thấp hơn mức thực hiện từ 2014 đến nay.
Tại PIC, với 29 tỷ đồng sau 6 tháng, LNTT của PIC đã giảm 4,9% so với nửa đầu 2017, nhưng vẫn vượt 17% kế hoạch năm nhờ tại Đại hội tổ chức tháng 6/2018, Ban lãnh đạo chỉ đặt mục tiêu LNTT 24,8 tỷ đồng cho năm nay.
Tại TCT, với LNTT 83 tỷ đồng trong 6 tháng, TCT cũng đã vượt 13,4% kế hoạch 2018. Trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông 2018, TCT đặt mục tiêu LNTT năm nay chỉ 73,2 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện 2017.
Dấu hỏi chất lượng kế hoạch kinh doanh
Doanh thu, lợi nhuận là các chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp và là yếu tố được cổ đông, nhà đầu tư quan tâm.
Không chỉ đơn thuần là những con số, một kế hoạch sát với thực tế khi được cụ thể hóa thành các mục tiêu, chiến lược của từng bộ phận sẽ đem đến hiệu quả, giúp chuẩn bị tốt nguồn lực đón đầu cơ hội, cũng như ứng phó với các thách thức.
Ngược lại, một kế hoạch không hợp lý có thể dẫn bị động, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, thậm chí tiềm ẩn rủi ro khi chưa sẵn sàng đối mặt với khó khăn.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng thể hiện tầm nhìn, khả năng đánh giá của ban lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng thị trường, tiềm lực của doanh nghiệp, cũng như khát vọng tăng trưởng và cam kết với cổ đông.
Tại nhiều đại hội, bên cạnh con số được trình bày, cơ sở lập kế hoạch, cũng như tính khả thi của kế hoạch đó, luôn là trọng tâm được cổ đông quan tâm, chất vấn. Có khi sau những ý kiến đóng góp, kế hoạch ban đầu đã phải điều chỉnh theo hướng tăng lên.
Thực tế, dù luôn mong muốn tăng trưởng hiệu quả hoạt động và tạo lợi nhuận, không ít cổ đông vẫn có thể chấp nhận những con số mục tiêu thận trọng, thậm chí sụt giảm nếu tình hình thị trường chung khó khăn, hay khi doanh nghiệp đưa nhà máy, dây chuyền mới vào vận hành đẩy chi phí khấu hao, lãi vay tăng trong ngắn hạn như một sự chia sẻ với ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi mà con số kế hoạch cách quá xa thực tế, nếu không có sự lý giải hợp lý, sẽ rất khó để nhà đầu tư an tâm, tin tưởng.
Thậm chí lo ngại có hay không sự ỷ lại, đưa mục tiêu dễ để sớm hoàn thành, hay xa hơn là mâu thuẫn lợi ích nếu như lương thưởng của hội đồng quản trị, ban điều hành lại gắn liền với phần vượt kế hoạch kinh doanh đặt ra trong năm.