“Thao túng tiền tệ” là một cụm từ mà mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gán cho Trung Quốc và châu Âu, khi mà căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nền kinh tế này đang có chiều hướng gia tăng.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát trên Phố Wall nói rằng, rất có khả năng chính ông Trump sẽ khởi động một chiến dịch làm suy yếu đồng USD như một giải pháp nhằm làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Mỹ là quốc gia ủng hộ chính cho Hiệp ước của G20 hồi tháng 7, trong đó các nền kinh tế thành viên cam kết sẽ “tránh phá giá đồng tiền để cạnh tranh và sẽ không đưa ra mục tiêu tỷ giá hối đoái cho các mục đích cạnh tranh”.
Thế nhưng, kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, ông Trump đã thường xuyên nói về mong muốn một đồng USD yếu hơn để hỗ trợ sản xuất của Mỹ. Chính quyền của ông cũng được cho là thiếu nhiệt tình đối với lập trường USD mạnh truyền thống của Mỹ.
Những lời phàn nàn của ông về đồng USD mạnh ngày càng dày đặc trong thời gian gần đây, khi mà căng thẳng thương mại giữa Mỹ với nhiều nền kinh tế khác, đặc biệt là Trung Quốc có chiều hướng leo thang.
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Reuters tuần trước, ông Trump lại một lần nữa cáo buộc Trung Quốc và Liên minh châu Âu thao túng đồng tiền của họ.
Hôm thứ Sáu tuần trước nữa, ông cũng phàn nàn với các nhà tài trợ của đảng Cộng hòa rằng ông “không vui” với việc tăng lãi suất của Fed dưới thời Chủ tịch Jerome Powell, động thái đã làm đồng USD tăng giá.
Rõ ràng là khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đang có chiều hướng leo thang, không ít người lo ngại sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ có thể khiến Mỹ mở ra một mặt trận mới trên thị trường ngoại hối.
Đồng nhân dân tệ đã giảm 9 phần trăm kể từ tháng Tư, đúng vào thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc bắt đầu. Sự sụt giảm nhanh và mạnh của đồng nhân dân tệ đã làm dấy lên những nghi ngờ rằng Trung Quốc đang cố ý làm suy yếu đồng nhân dân tệ để bù đắp ảnh hưởng thuế quan từ Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc nhiều lần khẳng định rằng tỷ giá đồng nhân dân tệ là do thị trường quyết định và họ không sử dụng đồng nhân dân tệ như một vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn được ông Trump chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Stephen Jen của Eurizon SLJ Capital cảnh báo rằng ông Trump có thể trả đũa trên các thị trường ngoại hối nếu nghi ngờ rằng Trung Quốc đang “chơi trò chơi tiền tệ”.
“Cuộc chiến thương mại sẽ ngày càng nhuốm màu tiền tệ”, theo Charles Dallara, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và là một trong những kiến trúc sư của Hiệp ước Plaza – một thỏa thuận bắt đầu vào năm 1985 giữa Mỹ và 4 quốc gia khác nhằm làm đồng USD giảm giá. Ông cho rằng điều này là “không thể tránh khỏi”.
Sau một loạt các phàn nàn của ông Trump trên Tweets rằng đồng USD đang làm giảm lợi thế cạnh tranh của Mỹ, Michael Feroli – nhà kinh tế trưởng của JPMorgan Chase – đã viết trong một báo cáo trong tháng này rằng, ông không thể loại trừ khả năng chính quyền sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm suy yếu đồng USD.
Cả Deutsche Bank và OppenheimerFunds đều lặp lại quan điểm này, nói rằng sự can thiệp vào đồng USD không còn xa vời nữa.
Vậy ông Trump có thể sử dụng những biện pháp nào nếu muốn hành động thay vì đưa ra những lời phàn nàn?
Theo Viraj Patel – một nhà chiến lược ngoại hối của ING, biện pháp trực tiếp nhất là ông Trump sẽ yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ (thông qua Fed New York) bán ra đồng USD và mua các đồng tiền khác như đồng yên và euro bằng cách sử dụng Quỹ ổn định giao dịch.
Tuy nhiên, do quỹ này chỉ nắm giữ 22 tỷ USD tài sản, tác động có thể sẽ là không lớn. Song bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào mạnh hơn và tham vọng hơn cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội, Patel nói.
Mặc dù vậy, theo Patel, vẫn có một kẽ hở mà ông Trump có thể khai thác để vượt qua những hạn chế của quỹ ổn định và bỏ qua quốc hội. Đó là tuyên bố can thiệp ngoại hối “khẩn cấp quốc gia”. Với ông Trump, người đã từng vận dụng biện pháp này để áp đặt thuế quan, không thể “loại trừ hoàn toàn” khả năng.
Cũng có một lựa chọn ít khó khăn hơn và hợp lý hơn là chính quyền Trump sẽ gộp các điều khoản tiền tệ trong bất kỳ hiệp ước thương mại mới nào, giống như thỏa thuận thương mại Mỹ – Hàn Quốc hồi tháng 3.
Không ít chuyên gia cho rằng, những gì đang diễn ra hiện nay có những nét tương đồng nhất định với thời điểm đầu những năm 1980 mà hệ quả cuối cùng là Hiệp ước Plaza. Đó là sức mạnh của đồng USD do lãi suất tại Mỹ tăng đang là tâm điểm của căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nền kinh tế lớn khác. Đó là chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, cũng như nỗi lo về hàng nhập khẩu nước ngoài phá hoại công ăn việc làm của người Mỹ.
Chỉ có một điểm khác là thời gian trước đây đối tượng nhắm tới của Mỹ là Nhật Bản, còn hôm nay là Trung Quốc.
Vì vậy, không thể loại trừ khả năng ông Trump có thể khởi động chiến dịch làm suy yếu đồng USD.