Theo các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, năm 2015 mức tăng trưởng của Việt Nam chỉ sát với mục tiêu. Vẫn còn nhiều cảnh báo là nợ công và những tác động tiêu cực từ giá dầu và lãi suất trên thị trường thế giới.
Cảnh giác với nợ công, giá dầu và sự thay đổi luồng vốn
Ngày 14/5/2015, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN-ESCAP) công bố Báo cáo Điều tra về Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2015, trong đó dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,1%. Ngày 15/5/2015, trong buổi họp báo công bố báo cáo Tổng quan kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 6%, tăng trưởng sẽ chậm lại, năm 2016 sẽ chỉ đạt 5,8%. Cả hai tổ chức này đều dự báo nhiều yếu tố bên ngoài có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
![]() |
Cần cân bằng giữa tính cạnh tranh của đồng nội tệ và sự ổn định về mặt tài chính trong mỗi quyết định điều chỉnh tỷ giá |
Theo UN- ESCAP, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn so với những năm gần đây, song tổng cầu trong nước vẫn ở mức thấp. Xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ tình trạng giá dầu thô toàn cầu giảm sút.Gần một năm nay giá dầu giảm tác động khá lớn tới thu ngân sách của Việt Nam. Dự báo giá dầu chỉ dao động quanh mức 60 USD/thùng. Như vậy sẽ càng làm cho bội chi cao.
Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam đã nhắc tới những tác động tiêu cực tới Việt Nam trong ngắn hạn gồm: CSTT trái ngược ở các nền kinh tế phát triển lớn và biến động của thị trường ngoại hối; Tình trạng nợ công cao và vay nợ nước ngoài lớn; Tiềm năng tăng trưởng giảm; Tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc…
Việc các nền kinh tế phát triển lớn điều hành CSTT trái ngược nhau (như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự định thắt chặt CSTT trong khi các nền kinh tế châu Âu hay Nhật Bản tiếp tục chính sách nới lỏng) là lo ngại lớn. Những động thái này có thể gây ra những tác động bất ổn về tài chính đến các nước mới nổi. “Luồng vốn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương vừa qua thất thường và tới đây có thể bị rút ra nhiều hơn khi Fed tăng lãi suất. Điều này hàm ý là khả năng dễ biến động luồng vốn trong khu vực sẽ lớn hơn” – ông Sanjay Kalra cảnh báo.
Trên thị trường ngoại hối, trong khi các nước có đồng nội tệ gắn với một giỏ tiền tệ ít chịu tác động thì những nền kinh tế có đồng nội tệ gắn chặt với đồng USD, giá cũng mạnh lên theo đồng bạc xanh. “Đồng NDT của Trung Quốc gắn rất chặt với đồng USD nên cũng ghi nhận sự lên giá theo đồng USD và trường hợp của Việt Nam cũng vậy” – ông Sanjay Kalra lấy ví dụ. Khi quốc gia có lượng vay nợ ngoại tệ nước ngoài nhiều cũng dễ bị rủi ro tăng khi đồng ngoại tệ đó mạnh lên, làm cho nghĩa vụ trả nợ nước ngoài tăng lên theo chiều tăng của tỷ giá. Tất nhiên đây chỉ là rủi ro chứ không phải đã là khó khăn thực sự với nước vay nợ nếu họ ý thức được rủi ro này, đồng thời có cách quản lý tốt.
Thông điệp chung là một nền kinh tế càng có chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt thì càng tránh được tác động của các cú sốc bên ngoài nhưng cũng cần cân bằng giữa một bên là tính cạnh tranh của đồng nội tệ và một bên là sự ổn định về mặt tài chính. “Nếu tỷ giá thay đổi quá linh hoạt, quá mạnh trong một thời gian ngắn thì sẽ gây bất ổn cho thị trường tài chính, đặc biệt là đối với những nước mà chính phủ và DN vay nợ nước ngoài nhiều. Cẩn trọng với tỷ giá. Mỗi khi quyết định điều chỉnh tỷ giá, nên cân nhắc các tác động trái”, theo ông Sanjay Kalra.
Chọn dự trữ ngoại hối thay vì lấy ra đầu tư
Vị trưởng đại diện IMF tại Việt Nam khuyên: khi nợ công cao thì “chi tiêu bớt đi”. Cũng theo ông, lấy quỹ dự trữ ngoại hối cho ngân sách vay để đầu tư dài hạn “không phải là một ý hay”. Bản chất của quỹ dự trữ ngoại hối là “dự trữ”. Quỹ này giao NHTW quản lý và có mục đích chính là sẵn sàng can thiệp để giảm thiểu những biến động bất thường hay những cú sốc quá lớn trên thị trường ngoại hối. Nếu sử dụng quỹ này “cho ngân sách vay” sẽ khiến khả năng đáp ứng các mục đích khác của quỹ giảm xuống. Trên thế giới, khi các nước có nguồn dự trữ ngoại hối cực kỳ dồi dào, ngoài phần dự trữ để đảm bảo đối phó với các biến động, phần còn lại có thể mang đi đầu tư thông qua Quỹ đầu tư dự trữ quốc gia. Nhưng dự trữ ngoại hối của Việt Nam chưa lớn để làm được điều tương tự.